Kết phiên thứ 6 tuần trước, đồng USD đã có tuần tăng giá lần thứ 8 liên tiếp. Đây là thành tích tốt nhất của đồng bạc xanh kể từ mùa đông 2014-2015. Đà tăng của đồng USD diễn ra trong bối cảnh có nhiều dự đoán cho rằng nó sẽ mất vị thế là đồng tiền dự trữ của thế giới, cũng như các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Nga đang có xu hướng “phi USD hóa”. Ít nhất thì trong thời điểm hiện tại, đồng USD vẫn là vua.
Theo đài CNN, có hai lý do để đồng USD vẫn giữ vững vị thế hàng đầu. Đó là nền kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh, trong khi nhiều nơi khác đang trên bờ vực suy thoái.
Dữ liệu được công bố trong tuần trước đã vẽ nên một bức tranh lạc quan về nền kinh tế Mỹ, khi ngành dịch vụ bất ngờ tăng tốc trong tháng 8, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đạt mức thấp nhất kể từ tháng 2 và tiền lương thì được điều chỉnh tăng theo lạm phát.
Chỉ số đồng USD đang ở mức cao nhất trong 6 tháng, mang đến kỳ vọng rằng Cục Dự trữ liên bang, còn gọi là Fed, sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian tới. Lãi suất cao có xu hướng tăng giá trị đồng tiền của một quốc gia, bằng cách thu hút nhiều nguồn vốn nước ngoài hơn, vì các nhà đầu tư cho rằng sẽ kiếm được lợi nhuận lớn hơn khi đổ tiền vào quốc gia đó.
Nhiều nhà kinh tế đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ theo hướng cao hơn để phù hợp với các tin tốt. Dự đoán của giới chuyên gia về việc Mỹ sẽ “hạ cánh mềm” dường như sẽ trở thành hiện thực. Hạ cánh mềm là khi ngân hàng trung ương của một quốc gia kiềm chế lạm phát thành công mà không đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Ông James Athey, Giám đốc đầu tư tại công ty đầu tư Abrdn ở Anh, nhận định rằng những đồn đoán về sự sụp đổ của đồng USD đang bị phóng đại rất nhiều. Nền kinh tế Mỹ tiếp tục chứng tỏ sức mạnh, trong khi nền kinh tế Trung Quốc và châu Âu đang gặp nhiều khó khăn.
Kể từ tháng 2 tới nay, đồng euro đã mất 4,4% giá trị, giao dịch ở mức 1 euro đổi 1,07 USD. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm 2,6% trong cùng giai đoạn, xuống mức thấp nhất trong 16 năm so với đồng USD.
Chuyên gia tại Bank of America nhận định rằng trong khi Mỹ đang gần hạ cánh mềm, thì khu vực đồng tiền chung euro đang đối mặt với kịch bản lạm phát đình trệ, tức lạm phát cao trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và tỉ lệ thất nghiệp duy trì ở mức cao trong thời gian dài.
Đồng euro yếu hơn có thể đẩy giá hàng nhập khẩu lên cao, cộng với áp lực từ giá dầu thô tăng cao, có thể thúc đẩy lạm phát.
Nền kinh tế Trung Quốc cũng gặp nhiều thách thức, như chi tiêu giảm, khủng hoảng bất động sản chưa thấy lối ra và xuất nhập khẩu đều giảm. Sự suy yếu trong kinh tế Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng đồng nhân dân tệ, mà còn tạo áp lực cho các nền kinh tế khác trong khu vực, cũng như các đối tác thương mại lớn, bao gồm cả khu vực đồng tiền chung euro.
Bình luận (0)