Đóng vai 'thám tử tư' đi kiểm tra cơ sở giữ trẻ mầm non sai phép

23/01/2021 07:08 GMT+7

Số lượng nhóm trẻ và lớp mầm non độc lập ở TP.HCM chiếm từ 50 - 80% cơ sở giáo dục mầm non. Nhiều nơi còn đội lốt các trung tâm kỹ năng để nhận nuôi giữ trẻ nên rất khó khăn trong việc quản lý.

Gian nan quản lý nhóm trẻ, lớp mầm non độc lập

Tại buổi tọa đàm về việc quản lý nhóm trẻ, lớp mầm non độc lập do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức ngày 22.1, nói về việc quản lý cơ sở mầm non ngoài công lập, bà Trương Hồng Phượng, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Phú, cho biết cả quận chỉ có 60 trường mầm non, trong đó có 15 trường công lập, 45 trường ngoài công lập và có tới 103 nhóm, lớp độc lập. Ngoài ra còn có 10 trung tâm giáo dục kỹ năng sống được Sở GD-ĐT cấp phép.
Do vướng một số quy định, việc mở trường mầm non và các nhóm trẻ gặp khó khăn nên nhiều năm nay các trung tâm ngoại ngữ, kỹ năng sống được thành lập hàng loạt với cơ sở vật chất rất đẹp, khang trang, quảng cáo hấp dẫn như: “không nơi đâu có được”, dạy trẻ kỹ năng bày tỏ cảm xúc, tự bảo vệ bản thân, phát triển ngôn ngữ, tổ chức dã ngoại…
Những quảng cáo này khiến phụ huynh nhầm tưởng trẻ vừa được học theo chương trình chuẩn của bậc mầm non vừa được dạy thêm các kỹ năng, ngoại ngữ có người nước ngoài dạy nên không ngần ngại gửi con vào dù mức học phí rất cao mà không hề biết rằng đây không phải là cơ sở giáo dục mầm non.

1.374 trường mầm non, 1.739 nhóm trẻ độc lập

Theo bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM, những năm gần đây nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập phát triển rất nhanh về số lượng, giảm áp lực cho trường công lập, tạo môi trường cho trẻ học tập cũng như cơ hội việc làm cho người lao động. Hiện TP.HCM có 1.374 trường mầm non, trong đó trường công lập là 472, dân lập tư thục là 902 trường. Còn nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập là 1.739 cơ sở.
Dù gặp áp lực rất lớn trong việc quản lý nhưng theo bà Điệp các quận, huyện cần phải kiên trì bền bỉ cũng như tạo điều kiện để cho nhóm lớp này phát triển và nâng cao chất lượng. 
Thực tế, khi được cấp phép, các trung tâm này chỉ được nhận trẻ từ 3 - 11 tuổi, nhưng nhiều trung tâm thậm chí nhận trẻ từ 2 tuổi, thiết kế chương trình học như chương trình giáo dục chăm sóc của bậc mầm non.
Chia sẻ về khó khăn trong quản lý, bà Phượng cho biết UBND các phường là đơn vị quản lý trực tiếp, nhưng có thể nhân sự phường sẽ thay đổi thường xuyên, nhiều cán bộ cũng không nắm hết được các hoạt động của những trung tâm này là có đúng quy định hay không. Trong khi đó, các phòng giáo dục cũng không có bộ phận chuyên phụ trách các trường ngoài công lập. Các trung tâm này lại do Sở GD-ĐT cấp phép, Phòng không được tự động vào kiểm tra nên rất khó khăn trong việc giám sát.
“Một lần vô tình đi qua trung tâm này tôi thấy có đồ chơi trong khuôn viên, đặc biệt là một dãy nón bảo hiểm của trẻ treo từ sáng đến chiều. Nghi ngờ trung tâm này nuôi dạy trẻ mầm non sai quy định, chúng tôi phải đóng vai phụ huynh, “thám tử tư” để hỏi những người dân xung quanh, sau đó thâm nhập vào trường hỏi thông tin tuyển sinh, đến khi quay chụp được hình ảnh trung tâm này nuôi dạy trẻ mới dám gọi phường xuống kiểm tra nhưng cơ sở này vẫn không cho phường vào vì họ hoạt động theo giấy phép của Sở. Lúc đó chúng tôi phải báo lên cấp trên và chính Sở GD-ĐT lập đoàn kiểm tra. Trung tâm này sau đó thậm chí chuyển học trò sang quận khác để hoạt động, chúng tôi lại phải phát thông báo đến phụ huynh của trung tâm này. Trung tâm sau đó bị rút giấy phép hoạt động”. Bà Phượng chia sẻ câu chuyện phát hiện một trung tâm kỹ năng sống nuôi dạy trẻ mầm non không đúng quy định ở Q.Tân Phú để minh chứng cho những khó khăn trong quản lý.

Nhiều hạn chế về chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ

Tương tự, khi nói về công tác quản lý nhóm cơ sở mầm non này, bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó trưởng phòng GD-ĐT H.Hóc Môn, cũng cho biết việc quản lý nhóm trẻ, lớp mẫu giáo gặp rất nhiều khó khăn, bởi nhiều cơ sở vẫn không đảm bảo được các quy định.
Theo bà Lan, hiện nay H.Hóc Môn có tổng số 243 cơ sở giáo dục mầm non, trong đó chỉ có 27 trường (19 trường công lập, 8 trường tư thục), còn lại nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập chiếm khoảng 80% với 216 cơ sở. Ngoài ra, Hóc Môn còn có 37 nhóm giữ trẻ (được giữ tối đa 7 trẻ).
“Người nhập cư ngày càng đông, nhóm trẻ và lớp mầm non độc lập vì thế ngày càng nhiều. Sự ra đời và tồn tại của các nhóm lớp độc lập tư thục trong điều kiện hiện nay là phù hợp và cần thiết. Tuy nhiên chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trong các nhóm lớp này vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy nhóm lớp này cần có sự giám sát, quản lý từ đội ngũ cán bộ chuyên môn, các cấp chính quyền và cộng đồng xã hội”, bà Lan chia sẻ.
Bà Bùi Thị Minh Nguyệt, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp, cũng cho biết quận có 106 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập. Khó khăn trong quản lý theo bà Nguyệt là việc nhiều cơ sở xây dựng, thiết kế cơ sở vật chất chưa phù hợp. Việc xử lý các vi phạm hành chính đối với các cơ sở này còn vướng nhiều cơ chế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.