Đồng vốn cho giao thông

06/03/2012 03:30 GMT+7

Thông tin giao thông (GT) TP.HCM năm nay sẽ thiếu hụt hàng nghìn tỉ đồng trong tổng nhu cầu vốn gần 50.000 tỉ đồng hoàn toàn không phải chuyện mới. Bởi GT là lĩnh vực rất nặng vốn nên tình trạng “thiếu trước, hụt sau” gần như năm nào cũng xảy ra.

Thông tin giao thông (GT) TP.HCM năm nay sẽ thiếu hụt hàng nghìn tỉ đồng trong tổng nhu cầu vốn gần 50.000 tỉ đồng hoàn toàn không phải chuyện mới. Bởi GT là lĩnh vực rất nặng vốn nên tình trạng “thiếu trước, hụt sau” gần như năm nào cũng xảy ra.

Vấn đề đáng bàn là, với nguồn chi còn hạn hẹp như thế, việc sử dụng đồng vốn của ngành GT có lúc, có nơi thiếu hiệu quả, lãng phí, thậm chí tuy mang cảnh “con nhà nghèo” song việc “chơi sang”, “chơi trội” ở các dự án (DA) GT cũng chẳng phải chuyện hiếm.

Tình trạng lãng phí trước hết thể hiện ở sự hạn chế trong quản lý nguồn vốn khiến cho cứ mười DA GT thì cả mười đều đội vốn chóng mặt. Điều này kéo theo chi phí cho mỗi DA tăng cao, và như thế, với cùng một lượng tiền, số công trình được đầu tư ít đi. Đơn cử, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (vay vốn ODA Nhật) chưa khởi công đã tăng vốn hơn gấp đôi từ 1,1 tỉ USD lên 2,5 tỉ USD.

Trước đó, DA Đại lộ Đông Tây và Cải thiện môi trường nước (cũng vay ODA Nhật) đội vốn thêm 3.600 tỉ đồng. Một DA siêu bê bối khác là Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (vay ODA của Ngân hàng Thế giới) thi công quá ì ạch nên tổng kinh phí “leo thang” từ 200 triệu USD lên gần 320 triệu USD và chưa dừng lại.

“Kỷ lục” nhất có lẽ là cầu Hoàng Hoa Thám (do ngân sách TP đầu tư) dài chỉ 100m song phải mất 12 năm mới hoàn thành, vốn đầu tư tăng gấp 8 lần, từ 19 tỉ đồng lên 155 tỉ đồng... Có thể thấy, số tiền đội lên ở các DA này là quá lớn, đáng lẽ có thể giúp TP.HCM có thêm nhiều con đường, nhiều cây cầu mới, đầu tư vào các DA cấp bách và thiết thực khác, song ở đây lại dùng để bù đắp cho phần chi phí phát sinh từ việc thi công chậm trễ và sự yếu kém trong quản lý DA của các cơ quan hữu quan.

Chưa kể, do căn bệnh đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ, nên nhiều công trình hạ tầng không thể phát huy hiệu quả. Chẳng hạn, tính đến thời điểm này, TP.HCM đã rót hàng chục nghìn tỉ đồng cho các công trình ở cửa ngõ phía đông (cầu Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, cầu Rạch Chiếc, mở rộng xa lộ Hà Nội, đại lộ Đông Tây, hầm Thủ Thiêm...), song hầu hết đều rơi vào cảnh “cầu chờ đường”, hoặc “giai đoạn 1 chờ giai đoạn 2”.

Trên bình diện rộng hơn, việc áp dụng công nghệ đắt tiền vào các DA hạ tầng mà không tiên liệu đầy đủ về việc liệu công nghệ ấy có phù hợp với điều kiện đặc thù và nguồn ngân sách hạn hẹp hay không cũng gây lãng phí rất lớn. Chúng ta hẳn chưa quên việc sử dụng lớp tạo nhám hiện đại Novachip trên nền đất chưa tắt lún và thiết kế hàng loạt hệ sàn giảm tải đắt tiền đã biến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương trở thành con đường đắt giá với suất đầu tư cao gấp 4 - 5 lần các nước châu u, trong khi chất lượng lại kém xa. Hay việc chi hơn 97 tỉ đồng sửa chữa mặt cầu Thăng Long (Hà Nội) bằng công nghệ nhựa SMA hiện đại nhưng chỉ sau vài tháng cầu đã nứt toác và lại tốn chi phí sửa chữa tiếp...

Khi bàn về thực trạng yếu kém của hệ thống hạ tầng, ngành GT thường đổ cho việc thiếu vốn. Đồng ý là thế, song thử hỏi việc sử dụng những đồng vốn GT quý giá đã đúng chỗ, đúng thời điểm hay chưa, khi mà có không ít cây cầu xây xong để... thả diều, nhiều công trình xây nửa chừng rồi bỏ hoang cả thập kỷ?

DA trì trệ, vốn đầu tư tăng vọt, công trình xây xong không người sử dụng... trở thành chuyện “thường ngày ở huyện” và cũng chẳng thấy cá nhân, cơ quan nào phải chịu chế tài. Chỉ thương những đồng tiền thuế của người dân góp vào ngân sách bị đem sử dụng lãng phí, còn gánh nặng ODA oằn vai thế hệ tương lai.  

Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.