Tour tham quan rừng tràm Trà Sư thường được tổ chức gọn trong ngày, với chuyến xuồng khứ hồi, tận hưởng cảnh quan đẹp, dùng bữa với nhiều món đặc sản sông nước.
Trà Sư là vùng rừng tràm ngập nước rộng gần 850 ha ở thị xã Tịnh Biên, đồng thời là khu du lịch sinh thái có tiếng của tỉnh An Giang. Đây là điểm đến thú vị, nơi sinh sống của nhiều loài thực vật, động vật quý.
Sinh cảnh ở Trà Sư tương tự những vùng ngập nước khác của Đồng bằng sông Cửu Long. Điểm khác biệt rõ nhất là nơi đây tràn ngập màu xanh của cây tràm. Nhìn từ trên cao, vùng sinh thái trải rộng qua địa bàn hai xã của thị xã Tịnh Biên này xa tít tắp không thấy chân trời.
Những chiếc thuyền đưa khách đi dưới vòm cây tràm đan nhánh vào nhau là hình ảnh nhận diện đặc trưng của điểm du lịch này. Vùng nước ở nhiều đoạn ngập kín bèo, cỏ, hoa súng, sen.
Bèo sinh sôi nhanh, phát triển dày đặc như trải lớp thảm trên mặt nước. Một số loại bèo có thể nhận diện qua bề ngoài như bèo cám, bèo tai tượng. Có khu vực bèo trải trên diện tích rộng xanh ngút ngát. Những nơi này, người miền Tây gọi là lung bèo, trong đó, lung là cách gọi khu vực đất trũng ngập nước.
Cây tràm áp đảo về số lượng, nhưng thực tế rừng Trà Sư có hệ thực vật đa dạng. Theo thống kê, hơn 100 loài thực vật sinh trưởng ở đây, trong đó có 80 loại cây cỏ dược liệu.
Miền sông nước nên cá tôm rất nhiều với hàng chục loài, tuy nhiên người địa phương cho biết, nhiều giống cá chỉ xuất hiện khi mùa lũ về. Đặc biệt có loài cá trê trắng quý hiếm mà nhiều người đến đây tò mò muốn tận mắt nhìn thấy nhưng không thể.
Khoảng 70 loài chim, cò sinh sống ở Trà Sư, trong đó có 2 loài quý hiếm gồm giang sen và cổ rắn nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Nhiều loài chim rất khó gặp, nhất là ở vùng rìa khu du lịch thường đông khách tham quan, xuồng máy chạy ngược xuôi ồn ào.
Xác suất gặp chim cò ở cự ly gần tăng lên khi dong xuồng ba lá. Tự chèo xuồng, khua nước nhè nhẹ len lỏi giữa đám bèo, thường gặp được một số loài chim dạn người.
Trong không gian yên tĩnh chỉ có đàn chim xa gọi bầy, âm thanh cá quẫy, thấy con vạc đứng trên cành cây khô sát mặt nước để chờ bắt mồi. Loài chim thuộc họ diệc này có tập tính đứng bất động để rình quắp cá nhỏ, ếch nhái, côn trùng.
Ở khoảng cách chỉ vài mét, chúng vẫn không bay đi khi thấy người. Tuy vậy, ít ai đủ kiên nhẫn chờ trong khoảng thời gian dài để chứng kiến con vạc xanh ghim cái mỏ dài xuống nước gắp con mồi.
Trên những ngọn tràm, chim lớn bay lượn. Ảnh bên dưới chụp cánh chim băng qua đọt cây tràm, theo một nhân viên của đội lái tàu Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư, là chim cốc đế.
Đây là loại chim quý, trước kia có thể gặp ở một số địa phương khác, nhưng nay chỉ còn xuất hiện trong rừng Tây Nam bộ.
Ngồi trên xuồng thả trôi, nhìn xuyên qua giữa những hàng cây, đám lá, còn thấy bìm bịp. Loài chim này ở Trà Sư có hai chi, gồm bìm bịp nhỏ và bìm bịp lớn. Người bản địa hướng dẫn cách phân biệt đơn giản qua nhận diện bề ngoài.
Nếu bộ lông đen bóng, cánh màu hung nâu thì đó là bìm bịp lớn. Nếu bộ lông nhiều vằn, cánh màu hạt dẻ thì là bìm bịp nhỏ. Tuy vậy, nhìn xa vẫn khó phân định. Bìm bịp lớn hay nhỏ, thì tiếng kêu đều nghe rất buồn.
Đối với các loài chim quý hiếm, ngay ở vùng lõi của khu du lịch sinh thái này, cũng khó thấy. Để ghi hình những loài ít gặp như diều trắng, cú lợn lưng trắng, diều đầu nâu… nhiều tay máy chuyên chụp ảnh chim với thiết bị chuyên dụng, ống kính tiêu cự "khủng", phải canh chờ công phu.
Với số đông du khách, thì không có nhu cầu đi sâu, chỉ cần giây phút ngắm đàn chim rừng gọi nhau bay ngang qua khung trời. Để đáp ứng, khu du lịch có tháp vọng cảnh cho du khách quan sát từ trên cao bằng mắt thường hoặc với kính viễn vọng tầm nhìn hơn 20 cây số.
Trong tầm mắt phía xa là tán rừng tràm rậm rạp, ngọn núi xanh mờ, thấp thoáng cả khu dân cư của người Kh'mer. Giữa không gian lộng gió, thanh lành, ngắm bầy chim chao liệng kiếm ăn buổi sáng hoặc tìm về tổ cuối ngày, để thư giãn, sống chậm trong chuyến về miền đồng dã.
Bình luận (0)