|
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cho biết việc tổ chức lao động cho phạm nhân bên ngoài trại giam là cần thiết nhằm giáo dục cải tạo, đồng thời giúp cải thiện bữa ăn, dạy nghề, tạo thêm khoản thu nhập, chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, còn giúp giải quyết các vấn đề khó khăn của các cơ sở giam giữ.
Bà Nga dẫn báo cáo của Bộ Công an cho hay hầu hết các trại giam hiện nay đều đóng trên các địa bàn KT-XH khó khăn, giao thông không thuận lợi dẫn đến khó khăn trong thu hút đầu tư, tìm kiếm việc làm để tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân. Thời gian qua, các trại giam đã liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp (DN), cá nhân để tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân trong trại giam nhưng cách thức này rất khó thu hút được DN, cá nhân đầu tư do việc sản xuất trong trại giam không thuận lợi cho DN. Để giải quyết vướng mắc trên, Bộ Công an đã tiến hành thí điểm 24/54 trại giam thành lập 133 điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam thông qua liên kết với DN. “Tổng kết thực tiễn cho thấy, trong tổng số gần 7.000 phạm nhân ra ngoài lao động chỉ có 1 phạm nhân bỏ trốn”, bà Nga nói.
Phải có sự đồng ý của phạm nhân
Hầu hết các ý kiến thảo luận tại phiên họp đều thống nhất chủ trương cho phạm nhân ra lao động, sản xuất ngoài trại giam. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị phải đánh giá thêm về ngân sách, chế độ tài chính đối với các khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam, đồng thời việc liên kết với DN để tổ chức cho phạm nhân sản xuất cũng phải tính tới việc phù hợp với các công ước, hiệp định quốc tế mà VN đã ký kết.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc QH Hà Ngọc Chiến đề nghị thành lập các khu sản xuất và điểm lao động dưới hình thức phân trại sản xuất, lao động và dạy nghề. Theo đó, phạm nhân sẽ do các phân trại quản lý, còn DN có thể đầu tư theo hợp đồng với trại giam.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm không đồng tình vì cho rằng nếu thành lập phân trại thì vẫn là trong phạm vi của trại giam và việc này lâu nay vẫn đang thực hiện theo quy định của luật hiện hành. “Quan trọng là đưa phạm nhân ra lao động ở ngoài phạm vi trại giam. Đây không phải là trại giam nữa. Trên thực tế, chúng tôi đã có khu sản xuất không phải phân trại, không phải trại giam nhưng vẫn đảm bảo thực hiện các quy định giam giữ”, ông Lâm nói và cho biết chính vì thực tiễn này nên lần này mới phải bổ sung quy định vào luật.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình với chủ trương cho phạm nhân ra lao động, sản xuất ở bên ngoài vì đây vừa là quyền của phạm nhân, vừa là chính sách nhân văn nhằm cải tạo, giáo dục và dạy nghề cho phạm nhân để sau này tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, Chủ tịch QH đề nghị việc đưa phạm nhân ra lao động, sản xuất ngoài trại giam phải đảm bảo về an ninh, trật tự; thực hiện đầy đủ các chế độ giam giữ, giáo dục cải tạo đối với phạm nhân; bảo đảm công khai minh bạch về phân phối kết quả lao động cũng như đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động...
Bà Ngân cũng đề nghị bổ sung quy định phải có sự đồng ý của phạm nhân khi đưa phạm nhân ra ngoài lao động, đồng thời quy định cụ thể về thu nhập mà phạm nhân được hưởng. Bên cạnh đó, Chủ tịch QH cũng đề nghị dự thảo luật cần quy định về nguyên tắc, định hướng đối với đối tượng phạm nhân được chọn ra ngoài lao động để Chính phủ quy định chi tiết.
Bình luận (0)