Cụ thể, trước kiến nghị của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi về việc khai thác cát ở hồ Dầu Tiếng để làm Vành đai 3 trong bối cảnh dự án đang thiếu vật liệu đắp nền, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, lãnh đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường đã thống nhất chủ trương đồng ý với đề xuất của TP.HCM.
Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên - Môi trường yêu cầu TP.HCM tập trung đánh giá tác động môi trường sơ bộ trước khi cấp phép cho các doanh nghiệp vào khai thác cát tại khu vực hồ Dầu Tiếng trên quan điểm đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng cho dự án nhưng không gây tác động xấu tới môi trường.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cho phép TP.HCM khẩn trương khai thác các mỏ cát theo hướng cấp giấy phép đến đâu được khai thác ngay tới đó, có giải pháp để công tác cấp phép và khai thác diễn ra thuận lợi, kịp thời.
Chiếm tới 80% tỷ lệ vốn ngân sách cho giao thông phải giải ngân trong năm nay, đường Vành đai 3 là dự án đang được toàn hệ thống chính trị của TP.HCM dồn lực đẩy tiến độ. Chủ đầu tư cam kết đảm bảo tiến độ duyệt thiết kế xây lắp, các địa phương cũng khẳng định sẽ bàn giao mặt bằng sạch đúng kế hoạch. Tuy nhiên, theo khảo sát của TP.HCM, dự án đang gặp khó khăn về vật liệu xây dựng.
Cụ thể, tổng nhu cầu vật liệu làm Vành đai 3 ước tính gần 15 triệu m3, gồm: cát, đất đắp nền và cát, đá xây dựng. Qua khảo sát, đất đắp nền đường đạt yêu cầu khoảng 1,7 triệu m3/1,6 triệu m3, đáp ứng 106% nhu cầu dự án. Đối với đá xây dựng, đạt yêu cầu khoảng 6,2 triệu m3/4,4 triệu m3, vượt 141% nhu cầu dự án. Tương tự, cát xây dựng cũng đáp ứng khoảng 1,1 triệu m3/1,5 triệu m3, đạt 73% nhu cầu. Riêng khối lượng cát đắp cần 7,2 triệu m3 đến nay mới đáp ứng khoảng 5,8 triệu m3, đạt 80% nhu cầu dự án.
Mới nhất, UBND TP.HCM đã có văn bản đề nghị 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước cho khai thác cát ở hồ Dầu Tiếng để làm Vành đai 3 nhưng theo lãnh đạo các tỉnh, từ 11.4.2019, Bộ NN-PTNT đã có Công văn số 2508 đề nghị 3 tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh tạm ngừng hoạt động khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng để nguồn nước, cũng như chất lượng công trình thủy lợi hồ đập. Từ đó đến nay, mọi hoạt động khai thác cát trên hồ thuộc thẩm quyền cấp phép của 3 địa phương nói trên đã tạm ngưng, thẩm quyền cấp phép cho các bến bãi hoạt động khai thác cát trên hồ Dầu Tiếng hiện thuộc Bộ NN-PTNT.
Bình luận (0)