Từ 2017 đến nay, Dortmund lần lượt chia tay 17 hảo thủ (Ousmane Dembele, Jude Bellingham, Jadon Sancho, Christian Pulisic, Pierre-Emerick Aubameyang, Erling Haaland, Abdou Diallo, Paco Alcacer, Andriy Yarmolenko, Julian Weigl, Maximilian Philipp, Manuel Akanji, Matthias Ginter, Sokratis Papastathopoulos, Emre Mor, Sven Bender, Adrian Ramos). Tổng số tiền chuyển nhượng mà họ đem về là hơn 750 triệu euro. Có đến 2 điều đáng phục. Thứ nhất, Dortmund luôn có lãi trên thị trường chuyển nhượng, lãi đậm là đằng khác. Thứ hai, mất đi ngần ấy trụ cột chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng Dortmund không bao giờ suy sụp về mặt chuyên môn. Với các đội khác, làm thế đồng nghĩa "tự sát" - khủng hoảng chuyên môn dẫn đến rớt hạng như chơi, chứ khoan nói chuyện sa sút thành tích.
Gần 1/3 đội hình chính của Manchester City trong trận chung kết Champions League vừa qua là các ngôi sao đã gia nhập Dortmund ở độ tuổi khá trẻ: Ilkay Gundogan (đến Dortmund năm 21 tuổi), Manuel Akanji (23 tuổi), Erling Haaland (20 tuổi). Đấy cũng là những ngôi sao vào loại quan trọng nhất giúp đội bóng của HLV Pep Guardiola làm "cú ăn ba" lịch sử trong mùa vừa qua. Nếu như ai đó đặt ra cụm từ "nhãn hiệu Dortmund", thì cũng chẳng hề quá đáng. Chất lượng của các ngôi sao từng vươn lên trong màu áo Dortmund là điều đã được khẳng định, giúp các "siêu CLB" yên tâm phần nào khi phải chi đến hàng trăm triệu euro chuyển nhượng. Real Madrid có thể yên tâm về bản hợp đồng mang tên Bellingham, chứ không phải như Eden Hazard - bản hợp đồng khủng, đi kèm mức lương cao nhất đội, mà Real phải sớm thanh lý cách đây vài tuần!
Xin nhắc lại: 17 ngôi sao nêu trên chỉ là những trường hợp cụ thể tính từ mùa hè 2017 đến nay. Điểm danh các ngôi sao lớn vốn không được biết đến khi gia nhập Dortmund ở độ tuổi trẻ, sau đó được các "đại gia" săn lùng, chắc phải nói mãi không hết. Từ cầu thủ Nhật Bản Shinji Kagawa sau này tỏa sáng ở M.U đến Robert Lewandowski từng khoác áo Bayern Munich, Barcelona. Từ cầu thủ ghi bàn đưa Đức lên ngôi vô địch World Cup 2014 Mario Goetze đến các ngôi sao giúp Manchester City "ăn ba". Ngoài ra còn có Henrikh Mkhitaryan, Ciro Immobile, Nuri Sahin, Tomas Rosicky, Torsten Frings, Lens Lehmann…
Vấn đề ở đây không phải là "mua rẻ, bán đắt". Câu chuyện mang tính chuyên môn nhiều hơn, và đấy mới là điều thú vị. Tất nhiên, những hợp đồng "khủng" làm cho Dortmund thành công về mặt tài chính trước tiên vì các ngôi sao trong cuộc thường gia nhập Dortmund với giá rẻ hơn rất nhiều. Nhưng với đội bóng này, tiền bạc không phải là chi tiết quan trọng nhất. Họ thành công về tài chính vì chính họ không quá quan tâm chuyện tiền bạc!
Hãy phân tích trường hợp Bellingham. Dortmund bán được tiền vệ còn chưa tròn 20 tuổi này với giá nằm trong khoảng giữa 103 và 130 triệu euro (giá này thì chắc chắn là thuộc top 10 cầu thủ đắt nhất xưa nay rồi) là điều quá tuyệt vời. Nhưng khi Dortmund mua Bellingham từ Birmingham với giá 25 triệu euro, thì đấy cũng là cầu thủ 17 tuổi đắt nhất lịch sử. Vì toan tính thiệt hơn, vì keo kiệt hoặc bất cứ lý do gì khác, các siêu CLB giàu nhất thế giới đều không sẵn lòng chi bạo như Dortmund. Nhân lên hàng chục vụ mua bán tương tự, sẽ phải kết luận: Dortmund "hốt bạc" vì họ quá giỏi, quá xứng đáng.
Ở đây, chúng ta đang bàn về cái giỏi thuộc lĩnh vực chuyên môn. Tin dùng các cầu thủ trẻ như Bellingham, Sancho, Goetze… là điều chỉ có Dortmund dám làm. Từ đó, Dortmund trở thành CLB đỉnh cao có sức hút đặc biệt đối với các ngôi sao trẻ. Ai cũng muốn đến Dortmund ở độ tuổi 16 - 17. Rồi cứ thế, khi "đầu ra" là những bản hợp đồng lớn, đưa ngôi sao đến các CLB giàu mạnh nhất thế giới, thì đấy chỉ là chuyện tất yếu. Dortmund cứ bán ngôi sao, và tin chắc rằng họ không suy sụp (về chuyên môn) vì luôn còn nhiều ngôi sao trẻ khác. Không có đội bóng nào khác ở châu Âu tuyệt vời như thế!
Bình luận (0)