Đột phá hợp tác quân sự Nhật Bản - Philippines

06/11/2023 06:31 GMT+7

Chuyến công du của Thủ tướng Nhật Fumio Kishida đến Philippines vừa qua đã thúc đẩy quan hệ hợp tác 2 bên thêm chặt chẽ, giữa bối cảnh Biển Đông có nhiều căng thẳng.

Hôm qua (5.11), tờ The Inquirer đưa tin Nhật Bản đã chuyển giao hệ thống radar giám sát tầm xa đầu tiên cho Không quân Philippines.

Nhật Bản hỗ trợ mạnh mẽ cho Philippines

Đó là một trong các hệ thống mà Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida công bố viện trợ cho Manila khi đến thăm chính thức Philippines từ ngày 3 - 4.11. Thực tế, hệ thống radar đầu tiên trong số này vừa nêu đã được triển khai từ tháng 10 và hệ thống được đặt hướng ra Biển Đông. Manila kỳ vọng thông qua những radar giám sát tầm xa, sẽ có thể nhanh chóng phát hiện, xác định những mối đe dọa và hành vi xâm nhập trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.

Trong chuyến thăm trên, Thủ tướng Kishida cho biết số radar được hỗ trợ theo chương trình mới có tên Hỗ trợ An ninh chính thức (OSA). Nằm trong danh sách tiếp nhận OSA của Nhật còn có Malaysia, Bangladesh và Fiji.

Đột phá hợp tác quân sự Nhật Bản - Philippines - Ảnh 1.

Thủ tướng Kishida thăm trụ sở chính của Lực lượng Tuần duyên Philippines vào ngày 4.11

AP

Trong cuộc hội đàm diễn ra vào ngày 3.11, Thủ tướng Kishida và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. còn đồng ý bắt đầu đàm phán Hiệp định Tiếp cận đối ứng (RAA) để tăng cường hợp tác giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Philippines.

Về kinh tế, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định kế hoạch được thảo luận vào tháng 2 để Nhật Bản cung cấp gói tài chính lên đến 4,02 tỉ USD hỗ trợ Philippines phát triển cơ sở hạ tầng công và tư nhân từ tháng 3.2024.

Phát biểu trước Quốc hội Philippines vào ngày 4.11, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh Nhật Bản cùng với Mỹ và Philippines đang hợp tác để bảo vệ quyền tự do trên Biển Đông. Sự hợp tác đó song hành cùng cam kết của Tokyo trong việc giúp Manila tăng cường khả năng an ninh.

Tuyên bố của ông được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng liên tục xảy ra gần đây ở Biển Đông.

Chia sẻ nhiều giá trị chung

Trả lời Thanh Niên ngày 5.11, GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) nhận định: "Việc Thủ tướng Kishida thăm Philippines và đưa ra những thông điệp mạnh mẽ về việc bảo vệ các tuyến thông thương trên biển ở Biển Đông là minh chứng cho cam kết của Nhật Bản trong việc đóng góp cho trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".

"Lợi ích hàng hải của Tokyo và Manila có sự thống nhất cao ở chỗ cả hai nước đều không chấp nhận các hành vi dùng vũ lực, cưỡng ép và sử dụng chiến lược vùng xám để độc chiếm Biển Đông. Tokyo sẽ tiếp tục cung cấp phương tiện để Manila nâng cao năng lực hàng hải. Nhật cũng sẽ thúc đẩy phối hợp ngoại giao song phương và với ASEAN để giúp đỡ cùng hợp tác với các nước liên quan nhằm đảm bảo an ninh ở Biển Đông", GS Nagy khẳng định.

Tương tự, trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) phân tích: "Trước nay, Tokyo không phải là bên bảo trợ an ninh ở khu vực này vì các nước xung quanh lo ngại Nhật Bản vì vấn đề lịch sử. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi gần đây. Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất làm thay đổi quan hệ Nhật Bản - Philippines chính là do tình hình căng thẳng ở Biển Đông".

"Nhật Bản đã tặng 12 tàu cho Lực lượng Tuần duyên Philippines. Và giờ đây, Nhật Bản thực hiện cả OSA, trong đó viện trợ radar cho Philippines. Rồi RAA cho phép 2 bên tăng cường trao đổi, đào tạo hướng dẫn lực lượng quân sự của nhau. Ở đây, RAA cho phép hai bên dễ dàng tập trận chung, Nhật đào tạo cho lực lượng Philippines sử dụng những thiết bị mà Nhật đã viện trợ", TS Nagao chỉ ra.

Mạng lưới nhiều bên

Theo ông Nagao, cùng với Mỹ, Nhật Bản và Philippines sẽ còn tiếp tục thúc đẩy hợp tác an ninh và đối phó thách thức đang trỗi dậy.

Thực sự, Philippines thời gian qua không ngừng mở rộng hợp tác với cả Nhật Bản lẫn Mỹ về các vấn đề hàng hải.

Đầu năm nay, Manila công bố thỏa thuận cho phép binh sĩ Mỹ có thể sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự ở Philippines. Hồi tháng 3, Nhật Bản tham gia cuộc tập trận quân sự của Mỹ và Philippines với tư cách quan sát viên. Đến tháng 6, lực lượng tuần duyên của 3 nước lần đầu tiến hành huấn luyện cùng nhau.

Trước đó, cuối tháng 2, Reuters đưa tin Mỹ và Philippines đang thảo luận về việc tiến hành tuần tra chung giữa lực lượng tuần duyên 2 nước, trong đó có khu vực Biển Đông.

Không dừng lại ở đó, Philippines gần đây liên tục đẩy mạnh hợp tác với Úc, vốn là một đồng minh khác của Mỹ. Hợp tác giữa Manila với Canberra không chỉ bằng hình thức song phương, mà còn bao hàm đa phương với Tokyo và Washington. Chính vì thế, giới chuyên gia đánh giá rằng sau nhiều hợp tác song phương lẫn đa phương, Mỹ cùng Nhật Bản, Úc và Philippines dường như đang tiến đến hình thành một liên minh 4 bên nhằm đối phó các nguy cơ, bao gồm tại Biển Đông. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.