Đột phá kinh tế từ du lịch: Sức hút từ những người tiên phong

17/10/2019 06:33 GMT+7

Sự bứt phá của Quảng Ninh trong vài năm gần đây được ví như “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” khi chính sách cởi mở của lãnh đạo tỉnh đã gặp được những nhà đầu tư chiến lược có tâm, có tầm.

Hạ tầng đánh thức “vùng than”

Giữa tháng 6, Công ty Bumjin Electronic (Hàn Quốc) đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và đặt vấn đề thực hiện dự án khoảng 40 triệu USD tại TX.Quảng Yên. Không chỉ nhà đầu tư Hàn Quốc này “nhắm” đến Quảng Ninh để đầu tư, trong 5 năm gần đây, Quảng Ninh đã huy động được trên 190.000 tỉ đồng vốn đầu tư từ nguồn lực xã hội, trong đó có cả vốn đầu tư FDI và các tập đoàn tư nhân.
Vậy, động lực nào đã kéo các nhà đầu tư đến với vùng than, đất mỏ?
Trước những năm 2011 - 2012, Quảng Ninh vẫn là một trong những địa bàn kinh tế trọng điểm, nhưng thu hút nguồn lực đầu tư gặp nhiều khó khăn vì sự thiếu thốn cũng như thiếu kết nối của cơ sở hạ tầng giao thông. Năm 2013, Quảng Ninh báo cáo Thủ tướng, Bộ GTVT cho phép được dùng số tiền khoảng 6.000 tỉ đồng từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vượt thu hằng năm và phần T.Ư trả nợ ngân sách tỉnh... để cùng với nhà đầu tư, thực hiện cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (riêng cầu Bạch Đằng sử dụng vốn theo hình thức BOT).
Nhiều lãnh đạo bộ ngành, T.Ư cảm thấy e ngại tính khả thi bởi nguồn thu của tỉnh thời điểm này phụ thuộc lớn vào than đá và bất động sản, nhưng cả 2 ngành này đều đang gặp khó khăn.
Tháng 9.2018, 26 km đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và cầu Bạch Đằng chính thức thông xe, kết nối trực tiếp với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Tuyến cao tốc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ với sự phát triển kinh tế xã hội của Quảng Ninh, mà góp phần quan trọng, kết nối toàn khu vực và tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long, mở thêm không gian và cơ hội phát triển kinh tế toàn khu vực.
Thực tế cho thấy, sau khi các nhà đầu tư chiến lược - những người tiên phong như Sun Group, Vingroup... tới khai phá và xây dựng các công trình trọng điểm ở Quảng Ninh, đã tạo động lực thu hút nguồn vốn khổng lồ từ các nhà đầu tư khác vào tỉnh. Chỉ trong vòng 2 năm từ 2014 - 2015, tổng số vốn đầu tư vào Quảng Ninh là 100.000 tỉ đồng. Từ năm 2014 đến nay, chỉ riêng vốn đầu tư vào hạ tầng của tỉnh là 36.000 tỉ đồng, trong đó 3/4 vốn là từ xã hội hóa, ngân sách địa phương là vốn mồi dành chủ yếu cho giải phóng mặt bằng, giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư yên tâm triển khai. Hàng loạt dự án khủng xuất hiện như tổ hợp công viên giải trí 8.000 tỉ đồng được Sun Group khởi công xây dựng ở Bãi Cháy, rồi sân bay Vân Đồn, cảng tàu khách quốc tế...

1 đồng ngân sách “mồi” 8,3 đồng xã hội hóa

Cuối năm 2018, Quảng Ninh đồng thời đưa vào sử dụng chuỗi 3 đại dự án giao thông trọng điểm do Sun Group đầu tư, không chỉ vẽ lại bức tranh hạ tầng mà còn là dấu ấn chứng minh thành công trong việc giải bài toán huy động nguồn lực, đưa Quảng Ninh cất cánh.
Tại sự kiện khánh thành Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, thông xe kỹ thuật cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và khai trương Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long diễn ra cuối năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định đây là 3 dự án có tính đột phá với kinh tế địa phương và mô hình Quảng Ninh đáng để các địa phương khác học tập. Thủ tướng cũng đánh giá cao vai trò của giới doanh nghiệp tư nhân, cụ thể là Tập đoàn Sun Group trong hiện thực hóa những nỗ lực nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng của địa phương.
Trong đó, dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn do Sun Group thực hiện với tổng vốn đầu tư gần 7.500 tỉ đồng, là sân bay đầu tiên do một tập đoàn tư nhân thực hiện. Với sân bay Vân Đồn, vị thế của Quảng Ninh được nâng lên một tầm cao mới. Quảng Ninh cũng là một trong số ít địa phương dám đề xuất và được Chính phủ đồng ý cho phép tự quyết phương án trong đầu tư hạ tầng và kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân.
Những năm gần đây, Quảng Ninh vụt sáng như một “ngôi sao” cả về tốc độ tăng trưởng GDP, thu hút vốn đầu tư. Chỉ riêng ở Vân Đồn, năm 2018 đã có hàng loạt nhà đầu tư khởi động các siêu dự án du lịch nghỉ dưỡng cấp cao với tổng đầu tư 2,7 tỉ USD (khoảng 61.000 tỉ đồng). Từ chủ trương lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư (1 đồng ngân sách lôi kéo thu hút 8,3 đồng đầu tư ngoài ngân sách), mô hình PPP thành công từ các dự án cao tốc và sân bay của Quảng Ninh không chỉ giải tỏa nút thắt hạ hầng mà còn trở thành bài học trong thu hút PPP cho nhiều địa phương khác.
Trả lời Thanh Niên, ông Trương Mạnh Hùng, Phó trưởng ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Quảng Ninh, cho biết khả năng thu hút vốn của Quảng Ninh đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố lãnh đạo tỉnh thiết tha mời gọi đầu tư, tạo điều kiện, môi trường đầu tư kinh doanh rất thông thoáng.
“Từ chủ trương lấy đầu tư công dẫn đắt đầu tư tư, tỉnh bỏ ra vốn mồi làm mặt bằng, nhà đầu tư phải bỏ vốn ít đi và thu hồi nhanh hơn. Tỉnh tham gia đầu tư cũng gắn trách nhiệm và tiến độ cụ thể với từng dự án”, ông Hùng nói và ví dụ Sun Group đầu tư vào sân bay, thời gian thu hút vốn lâu thì tỉnh tạo điều kiện đầu tư vào các hạng mục hạ tầng đô thị, khu giải trí để thu hồi vốn nhanh hơn.
Theo ông Hùng, 2 năm gần đây, Quảng Ninh luôn giữ vị trí dẫn đầu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và 6 năm trước đó luôn nằm trong top 5 chỉ số PCI - những con số này thể hiện rõ nhất “chấm điểm” của nhà đầu tư cũng như sự cởi mở, minh bạch trong thu hút đầu tư của tỉnh.
Hạ tầng đi đến đâu kinh tế sẽ phát triển đến đó. Quảng Ninh sẽ tiếp tục thu hút đầu tư vào hạ tầng để mở thêm các trục đường ven biển, để mở rộng quỹ đất ven biển phát triển kinh tế và trục du lịch ven biển...
Ông Trương Mạnh Hùng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.