Đột phá mới trong điều trị bệnh ung thư

18/12/2018 09:02 GMT+7

Các nhà nghiên cứu đã làm biến đổi gien những tế bào miễn dịch và cho thêm vào một thụ thể đặc biệt, có thể giúp tấn công lại tế bào ung thư trong cơ thể bệnh nhân.

Những tế bào miễn dịch chủ chốt - tế bào T - được lấy từ máu của bệnh nhân ung thư.
Sau đó, các nhà nghiên cứu của Trung tâm Ung thư Seidman (trực thuộc University Hospitals Seidman Cancer Center, Mỹ) đã làm biến đổi gien và cho thêm vào một thụ thể đặc biệt mà có thể giúp tấn công lại tế bào ung thư trong cơ thể bệnh nhân.
Thụ thể đó gọi là thụ thể kháng nguyên khảm (CAR), theo Fox News, ngày 16.12.
Liệu pháp tế bào T mang thụ thể kháng nguyên khảm (CAR T-cell) đã giúp điều trị thử nghiệm thành công bệnh ung thư cho một phụ nữ 66 tuổi ở Ohio (Mỹ).
Bà được chẩn đoán bị mắc bệnh ung thư hạch không Hodgkin vào năm 2009. Từ đó, bệnh nhân chiến đấu không ngừng nghỉ với căn bệnh trên vì ung thư đã di căn đến phổi và ngực.
“Trong suốt nhiều năm qua, bà ấy luôn thuyết phục tôi hàng trăm lần rằng bà sắp đi rồi và không thể sống tiếp với tôi”, chồng bà nói với Fox 8.
Tuy nhiên, cuộc chiến chống ung thư của bà đã thay đổi kết quả khi được các bác sĩ dùng thử nghiệm liệu pháp CAR T-cell, trong một nghiên cứu lâm sàng ở University Hospitals Seidman Cancer Center.
Các nhà nghiên cứu đã thêm một thụ thể kháng nguyên khảm vào tế bào T trong phòng thí nghiệm để làm tăng sức mạnh của tế bào T trong cuộc chiến chống lại tế bào ung thư. Sau đó, tế bào này được truyền lại vào cơ thể bệnh nhân.
Bà được điều trị thử nghiệm vào tháng 7.2018. Một tháng sau, kết quả điều trị rất khả quan: các tế bào ung thư không còn trong người bà.
"Tương lai thì không biết sao nhưng giờ tôi tranh thủ giây phút này”, bệnh nhân cho biết. Gần đây, bà và chồng đã cùng nhau tổ chức một lễ kỷ niệm 35 ngày cưới, theo Fox News
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.