Đột phá nuôi tế bào người trong phôi cừu

24/02/2018 10:18 GMT+7

Nuôi cơ quan nội tạng người bên trong động vật đang tiến thêm một bước đến hiện thực sau khi các nhà nghiên cứu tuyên bố đã dưỡng được phôi cừu chứa tế bào của người.

Đội ngũ chuyên gia của các đại học Mỹ đã tạo phôi cừu chứa tế bào người, mở đường cho viễn cảnh nuôi cơ quan nội tạng bên trong cơ thể động vật và sau đó ghép cho bệnh nhân. Dự án này thậm chí còn cho phép giới nghiên cứu nghĩ đến khả năng điều trị bệnh tiểu đường thể 1 bằng cách nuôi lá lách khỏe mạnh, phục vụ cho hoạt động điều tiết đường huyết bình thường. Trong khi trước đây giới khoa học đã trình làng phôi lợn chứa tế bào người, cho đến nay chưa nhóm nào có thể tiến hành bước tiếp theo.
Tuy nhiên, các chuyên gia Đại học California vừa mang đến hy vọng mới khi tạo ra mô hình cừu - người để sử dụng, theo MIT Technology Review.

Hồi năm ngoái, các nhà khoa học của Đại học California tạo ra phôi lai lợn - người, trong đó cứ mỗi 100.000 tế bào lại có một tế bào của người. Các phôi dạng này được khống chế phát triển trong 28 ngày trước khi phá hủy. Đến tháng 2 năm nay, họ tuyên bố đã tạo thành công phôi lai cừu - người, nâng cao tỷ lệ tế bào người so với tế bào động vật ở mức 1:10.000, theo tiến sĩ Pablo Ross của Đại học California. Trong khi đó, trưởng nhóm - tiến sĩ Hiro Nakuachi cho biết đội ngũ Đại học Stanford cũng tạo ra lá lách của chuột nhắt bên trong chuột cống trước khi cấy cho chuột nhắt bị tiểu đường.
“Kết quả cho thấy chuột dường như được chữa trị hoàn toàn”, theo tiến sĩ Nakuachi phát biểu tại một hội nghị về khoa học. “Có thể phải mất 5 hoặc 10 năm, nhưng tôi cho rằng cuối cùng vẫn tới đích”, vị giáo sư tràn trề lạc quan.
Giải tỏa sự thiếu hụt nội tạng cấy ghép
Đột phá mới có thể giải tỏa sự thiếu hụt nội tạng cấy ghép trên toàn cầu. Khoảng 76.000 người Mỹ và 6.500 người Anh đang trên danh sách chờ được hiến tạng, và có thể mất đến 5 năm mới đến lượt mình. Theo ước tính, mỗi ngày lại có một người thiệt mạng trong lúc chờ đợi, và nếu đẩy nhanh được tốc độ nghiên cứu, sẽ có thêm nhiều người được kịp thời cứu sống.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học dự đoán nếu nuôi được cơ quan nội tạng người bên trong động vật, nguồn cung không những tăng lên mà còn có thể cho phép giới bác sĩ “đo ni đóng giày” nội tạng theo hướng tương thích với hệ miễn dịch bằng cách dùng chính tế bào của bệnh nhân trong toàn bộ quá trình, từ đó loại bỏ nguy cơ đào thải.
Để có thể tăng xác suất nghiên cứu thành công, các chuyên gia hy vọng có thể được phép nuôi phôi tối đa 70 ngày so với mức 28 ngày như hiện nay, nhưng vấn đề vấp phải thách thức về mặt quy tắc và quan ngại liên quan đến đạo đức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.