Dù đã phát triển hơn xưa rất nhiều, nhưng với áp lực gia tăng dân số và đô thị hóa, hệ thống hạ tầng giao thông của TP.HCM vẫn đang đứng trước nhiều thách thức lớn.
Đại lộ Võ Văn Kiệt, trục giao thông xuyên tâm TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh
|
Giải quyết "nút thắt" 3 cửa ngõ
TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn, một chuyên gia về quy hoạch đô thị, nói ông đánh giá cao cách mà các nhà lãnh đạo TP.HCM đã nhìn thấy tầm quan trọng của sự phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, đặt vị trí của giao thông trong sự phát triển chung của TP và đã đầu tư cho giao thông với tỷ lệ ngân sách đúng mức. Trong 40 năm qua, TP.HCM đã quan tâm đầu tư những trục giao thông xuyên tâm, đường vành đai, như đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, đại lộ Nguyễn Văn Linh, đại lộ Phạm Văn Đồng... cùng những tuyến đường cao tốc, giúp đô thị phát triển vươn ra ngoại ô, góp phần giảm tải cho khu vực trung tâm TP. Những con đường như thế đã tạo động lực cho việc đẩy mạnh phát triển kinh tế của TP.
|
Tuy nhiên, theo ông Ngô Viết Nam Sơn, đây mới là giai đoạn đầu của sự phát triển. Trung tâm TP trong tương lai chắc chắn phải có hệ thống metro cùng mạng lưới xe buýt. Các tuyến metro phải song hành với hệ thống nhà cao tầng dọc theo tuyến, phải kết hợp giữa metro với xe buýt để khai thác hiệu quả. Ở khu vực ngoại vi, ngoài những tuyến đường cao tốc hướng tâm, TP.HCM cũng cần có những đường vành đai cao tốc, để có một hệ thống giao thông hoàn chỉnh hơn. “Nếu khai thác hết tiềm năng của hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, tôi tin GDP của TP.HCM có thể sẽ cao hơn gấp 2 - 3 lần. Ví dụ như những công trình bến cảng, nếu kết nối tốt với hệ thống giao thông của TP và khu vực sẽ khai thác các cảng hiệu quả. Hay nếu xây dựng xong tuyến đường cao tốc từ TP.HCM đi Cần Thơ, trong tương lai khi chưa có sân bay Long Thành thì hành khách cũng có thể bay đến Cần Thơ rồi theo đường cao tốc về TP.HCM, vẫn nằm trong khoảng thời gian cho phép, đồng thời cũng giúp cho sự phát triển liên vùng rất tốt”, TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định.
Còn theo TS Hồ Long Phi, Đại học Quốc gia TP.HCM, trong cơ sở hạ tầng thì lĩnh vực giao thông là quan trọng nhất. Thời gian qua TP.HCM đã làm được một số công trình giao thông lớn, là điểm nhấn góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị TP. Nhưng hạ tầng giao thông TP.HCM hiện vẫn còn một số điểm còn vướng mắc, chưa thông suốt, như đoạn QL1 từ cầu Bình Điền đến ranh tỉnh Long An do chưa được mở rộng nên thường xuyên kẹt xe, tai nạn giao thông; tuyến xa lộ Hà Nội ở cửa ngõ phía đông cũng là điểm nóng kẹt xe thường xuyên. Ngoài ra, ở cửa ngõ phía bắc TP rõ ràng cũng đang vướng mắc ở khu vực Tham Lương - An Sương, khu vực Q.Gò Vấp. “Như vậy, 3 cửa ngõ quan trọng nhất ở phía tây, đông, bắc đang vướng mắc. Việc giải quyết các nút thắt này có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là chủ trương TP muốn giảm tải cho khu vực trung tâm và phát triển các khu dân cư mới ở ngoại thành”, TS Hồ Long Phi nhận định.
Hút vốn tư nhân bằng cơ chế thoáng
Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu - đường - cảng TP.HCM, cũng nhận xét rằng những công trình giao thông đã và đang được đầu tư tại TP.HCM cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu chống lại ùn tắc giao thông của TP này mà thôi. Với đà tăng dân số nhanh như hiện nay, đồng nghĩa với việc gia tăng phương tiện giao thông và khi thu nhập của dân ngày càng cao thì người đi xe hơi sẽ càng nhiều. Ông Trường dự báo trong thời gian tới số người đi xe hơi ở TP.HCM tăng rất nhanh, mà xe hơi sẽ gây ra ùn tắc giao thông gấp 3 - 4 lần so với xe máy. “Nếu chúng ta không kịp thời nhìn thấy điều này thì sắp tới TP.HCM sẽ đi vào con đường của thủ đô Bangkok của Thái Lan, đó là ùn tắc ô tô”, ông Trường cảnh báo.
Dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ mang lại diện mạo mới cho hệ thống hạ tầng giao thông TP.HCM trong tương lai - Ảnh: Diệp Đức Minh
|
Để tránh điều trên, theo ông Trường, trước hết phải có quy hoạch chuẩn. Việc tiếp đến là phải thực hiện việc phân luồng giao thông hợp lý. TP cần sớm hoàn chỉnh hệ thống các tuyến đường vành đai 3 và 4. Khi có các tuyến đường vành đai hoàn chỉnh, nên đưa toàn bộ xe tải nặng và xe container ra các đường vành đai, không đi vào trung tâm TP nữa. Tiếp theo là nên kết hợp đồng bộ các loại hình vận tải đường bộ với đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia và đường thủy. Lâu nay TP chưa phát huy được ưu thế của giao thông đường thủy, vẫn để trầm lắng. Kế đến là các công nghệ mới, ví dụ như công nghệ giao thông thông minh (ITS), đã được áp dụng rất nhiều ở nước ngoài và rất hiệu quả, cần được đưa vào sử dụng ngay để giảm bớt áp lực của cảnh sát giao thông. Khi đó, chúng ta sẽ có một hệ thống điều hành giao thông thật khoa học và đạt hiệu quả cao, để điều hành mạng lưới giao thông chung của TP, kể cả đường sắt đô thị, xe buýt, taxi. Cuối cùng, cần tăng mạnh đầu tư của tư nhân vào ngành GTVT. Hiện nay, đã có một số dự án đầu tư cơ sở hạ tầng GTVT do tư nhân đầu tư, nhưng chưa phát triển mạnh. Nhà nước cần có những cơ chế thoáng, mở để chia sẻ những rủi ro với tư nhân khi đầu tư vào cơ sở hạ tầng GTVT, vốn tốn rất nhiều tiền.
“Chúng ta đang phát huy nguồn lực của tư nhân để đưa hạ tầng giao thông của TP.HCM nói riêng và VN nói chung phát triển vượt bậc trong thời gian tới. Làm được như vậy, tôi tin chắc bộ mặt giao thông của TP sẽ có những thay đổi trong 10 - 15 năm tới”, ông Hà Ngọc Trường nhận định.
Bình luận (0)