Đột phá thể chế

01/01/2025 06:16 GMT+7

T.Ư Đảng đã xác định thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng diễn ra đầu năm 2026. Năm 2025 sẽ là năm bản lề then chốt để chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này.

"Thần tốc" tinh gọn bộ máy

Ngày 30.12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã công bố quyết định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của 13 cơ quan, đơn vị ở T.Ư là ban Đảng, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN và các đoàn thể chính trị - xã hội ở T.Ư.

Đột phá thể chế- Ảnh 1.

Tinh gọn bộ máy nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. (Trong ảnh: người dân tra cứu thủ tục hành chính tại UBND Q.12, TP.HCM)

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Các cơ quan hoàn thành phương án sắp xếp và nhận quyết định về tổ chức bộ máy mới gồm: Ban Tổ chức T.Ư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Ban Nội chính T.Ư, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Cơ quan T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Cơ quan Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Cơ quan T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Cơ quan T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ VN, Cơ quan T.Ư Hội Nông dân VN, Cơ quan Hội Cựu chiến binh VN. Các dự thảo quyết định được Bộ Chính trị, Ban Bí thư thảo luận, thông qua tại cuộc họp ngày 27.12 và được Bộ Chính trị ban hành chỉ một ngày sau đó.

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy cả hệ thống chính trị được T.Ư Đảng thống nhất thực hiện tại Hội nghị T.Ư khóa XIII hôm 25.11.2024 dưới sự khởi xướng và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Dù được khởi xướng từ năm 2017 với Nghị quyết số 18 của T.Ư Đảng khóa XII, song cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy thực sự trở nên "thần tốc" với sự quyết liệt của Ban Chỉ đạo T.Ư mà người đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm. Chỉ trong khoảng 2 tháng cuối năm 2024, cả hệ thống chính trị đã chuyển động một cách khẩn trương và quyết liệt với tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng"; "T.Ư không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở" mà 13 cơ quan, đơn vị ở T.Ư hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy là kết quả đầu tiên. Và cũng theo kế hoạch, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy sẽ hoàn thành trong 2 tháng đầu năm để chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng vào đầu năm 2026 - thời điểm được xác định bắt đầu của kỷ nguyên mới của dân tộc.

Đột phá của đột phá

Cùng với tinh gọn bộ máy, tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế, khơi thông nguồn lực phát triển cũng là 1 trong 7 định hướng chiến lược được Tổng Bí thư Tô Lâm xác định đưa đất nước vào kỷ nguyên mới.

Theo Tổng Bí thư, trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là "điểm nghẽn" của "điểm nghẽn". Ông lưu ý, để đạt mục tiêu phát triển KT-XH mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra phải đổi mới tư duy, phải "cởi trói", phải quyết đoán, phải bứt phá, phải vượt lên chính mình.

Đột phá thể chế- Ảnh 2.

Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ, để đạt được các mục tiêu đề ra, cần tiếp tục tạo đột phá hơn nữa về thể chế, tháo gỡ hết các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để khơi thông mọi nguồn lực và cải cách hành chính mạnh mẽ, kiến tạo môi trường thuận lợi để phát triển.

"Cần nhận thức rõ, đổi mới thể chế không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan xây dựng pháp luật, mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và của từng cán bộ, đảng viên tham gia xây dựng, thực thi pháp luật. Phải có "liều thuốc đủ mạnh" để trị căn bệnh cán bộ làm việc hành chính, máy móc; tiêu cực, nhũng nhiễu, "hành dân", "hành doanh nghiệp", có lợi ích cá nhân thì mới làm, cố tình làm chậm công việc, xin ý kiến lòng vòng, đổ lỗi cho thể chế, đổ lỗi cho sợ trách nhiệm…", Tổng Bí thư nhấn mạnh và khẳng định các chủ trương, chính sách phát triển KT-XH đã khá đầy đủ, bây giờ là lúc phải hành động.

Tương tự, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng xác định mục tiêu năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, tạo nền tảng vững chắc nhất để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình để trở thành quốc gia giàu mạnh, thịnh vượng và nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là hoàn thiện thể chế, coi đây là "đột phá của đột phá" để thực hiện các mục tiêu. Thủ tướng nhấn mạnh thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, của Tổng Bí thư Tô Lâm, bảo đảm thông thoáng, kiến tạo phát triển với tư duy đổi mới "vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, tạo không gian phát triển mới".

Cùng đó, triển khai tích cực, hiệu quả các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua. Khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo, hoặc chưa đầy đủ theo hướng vướng mắc ở đâu tháo gỡ ở đó, ở cấp nào thì cấp đó chủ động, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện. Khẩn trương nghiên cứu ban hành một số cơ chế, chính sách đột phá để giải quyết những vấn đề tồn đọng, phức tạp gây thất thoát, lãng phí.

Thủ tướng cũng khẳng định sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực; phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường của các cấp; kiên quyết, kiên trì xóa bỏ cơ chế "xin - cho", biểu hiện quan liêu, xa rời quần chúng nhân dân...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.