Đột phá từ công nghệ và nghiên cứu

14/03/2024 08:00 GMT+7

Giải pháp để có Việt Nam có thể làm chủ được ngành y - dược, theo nhiều ý kiến, chúng ta phải đầu tư mạnh vào công nghệ, nghiên cứu (R&D) và phân chia lại ngành hàng.

Tổng công ty Dược Việt Nam đề xuất nhà nước cần có chính sách phát triển ngành dược, sản xuất dược phẩm, trong đó, tăng cường hợp tác nhằm cải thiện tài chính y tế; hợp tác với cơ sở giáo dục trong việc nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển. Đặc biệt, bắt tay với các tổ chức nghiên cứu và công nghiệp trong và ngoài nước; xây dựng đội ngũ đông đảo các nhà nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực dược.

Một lãnh đạo Tổng công ty Dược Việt Nam cho rằng thời gian qua, một số cơ sở gặp khó khăn trong tìm kiếm đối tác và nâng cấp tiêu chuẩn nhà máy EU-GMP hoặc tương đương để phát triển theo hướng chuyển giao công nghệ và sản xuất sản phẩm có giá trị và chất lượng cao. Cạnh đó, thiếu vốn cũng là rào cản cho việc tiếp cận với các công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, đầu tư cho nghiên cứu phát triển phù hợp với nhu cầu điều trị. Do đó, nên thiết lập nhiều ưu đãi nhằm thu hút đầu tư cho ngành dược phẩm; nghiên cứu thành lập các quỹ để khuyến khích, tài trợ các dự án phát triển dược phẩm mới; gia tăng đầu tư vào ngành ở tất cả các giai đoạn trong quá trình phát triển dược phẩm, như mô hình Quỹ phát triển dược phẩm Hàn Quốc đã làm.

Đối với doanh nghiệp (DN) dược Việt Nam, bà Hàn Thị Khánh Vinh, Tổng giám đốc Tổng công ty Dược Việt Nam, cho rằng DN cần tiếp cận với các công nghệ sản xuất thuốc tiên tiến, đáp ứng các nhu cầu tiếp cận điều trị có chất lượng thay thế sản phẩm nhập khẩu. Bởi đây là chìa khóa khi muốn phát triển và nâng cao sức cạnh tranh. Tuy nhiên, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất là việc tương đối khó khăn đối với các DN vừa và nhỏ nên các DN lớn đầu ngành cần tiên phong.

Bên cạnh việc tập trung sản xuất kinh doanh, cần nâng tỷ lệ đầu tư vào lĩnh vực R&D, mở rộng, tìm kiếm và hợp tác với các đối tác nước ngoài về R&D nhằm phát triển một cách bền vững. Vì trong tất cả các ngành công nghiệp, dược phẩm luôn là ngành đầu tư lớn nhất vào R&D. Hàm lượng R&D của ngành dược phẩm sinh học phát minh trên thế giới lên tới 15,4% doanh thu.

Lãnh đạo Tổng công ty Dược Việt Nam dẫn chứng chỉ riêng trong năm 2020, ngành dược phẩm sinh học đã đăng ký 10.767 bằng sáng chế thông qua Hiệp ước hợp tác sáng chế (PCT) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới. Không có lĩnh vực ngành nghề nào khác có cường độ đầu tư cao vào R&D như vậy. Ngoài ra, các DN cần áp dụng công nghệ để khai thác hết thế mạnh vốn có của nước ta. Đó là nguồn dược liệu phong phú, nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước.

Một chuyên gia cũng lưu ý thêm để phát triển dược phẩm, các nhà sản xuất trong nước cần giảm tình trạng cạnh tranh giữa bằng cách phân chia nhóm ngành. Thị phần thuốc dạng generic vốn đã nhỏ cộng thêm nhiều DN cùng sản xuất các sản phẩm tương tự nhau dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong nước kém năng động, kém hiệu quả. Vì thế, cần phân chia mỗi DN sản xuất dược phẩm một ngách sản phẩm khác nhau. Điều này sẽ làm giảm cạnh tranh trực tiếp giữa ở trong nước, đa dạng sản phẩm, giúp tăng tính cạnh tranh với DN nước ngoài.

TS Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế, cho rằng mũi nhọn tập trung cho phát triển KH-CN y tế, bao gồm phát triển dược phẩm, vắc xin, sinh phẩm y tế, không chỉ phục vụ điều trị mà còn cho y tế dự phòng phòng chống dịch bệnh, là các bệnh mới nổi, tái nổi, bệnh truyền nhiễm.

Trong y tế dự phòng, chúng ta còn cùng với mô hình phòng chống dịch bệnh, còn làm chủ công nghệ, cần chú trọng nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học phục vụ người bệnh, test, kit, những sinh phẩm, vắc xin. Trong kế hoạch 2024 - 2025 và kế hoạch 2025 - 2030, Bộ Y tế quan tâm đầu tư cho hệ thống nghiên cứu cơ bản, phát triển công nghệ để làm chủ công nghệ liên quan đến sinh học phục vụ cho chẩn đoán, phòng bệnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.