Đốt pháo, 'hỷ' và 'họa'

01/02/2021 06:25 GMT+7

Nghị định 137/2020 quy định về quản lý và sử dụng pháo chính thức có hiệu lực ngày 1.11.2020 thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Nhiều người đã tìm hiểu rất kỹ nghị định, thế nhưng vẫn còn không ít trường hợp rất mơ hồ về việc được phép sử dụng pháo hoa như thế nào trong dịp tết, ngày cưới, sinh nhật… để không vi phạm.
Mới đây, đêm 24.1, theo phản ánh của người dân, trên địa bàn P.Hòa An, Q.Cẩm Lệ (TP.Đà Nẵng) có vụ nổ pháo. Công an P.Hòa An xuống hiện trường, phát hiện và thu giữ 1 hộp với 36 ống pháo đã sử dụng.
Qua điều tra, Công an P.Hòa An xác định ông N.Q.H (42 tuổi, tạm trú P.Hòa An) là người đốt pháo. Tại cơ quan công an, ông H. khai đã mua số pháo trên của một người bán hàng rong tại TP.Đông Hà (Quảng Trị), dự tính mang về quê (ở Nghệ An) để đốt nhân dịp Tết Nguyên đán. Khi tham gia tiệc tất niên nhà người thân, ông H. đã đốt thử. Với hành vi này, ông H. bị phạt 1,5 triệu đồng.
Qua sự việc này mới thấy, kể cả khi có quy định về việc sử dụng pháo hoa, nhiều người dân vẫn còn rất mơ hồ. Họ không rõ loại pháo nào được phép sử dụng và địa điểm mua pháo đúng quy định.
Cần nhắc lại, tối thiểu người dân cần biết là theo quy định chỉ được phép sử dụng pháo hoa (loại pháo không gây ra tiếng nổ) trong dịp tết, sinh nhật, khai trương, kỷ niệm... Đặc biệt, chỉ được mua loại pháo này tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Khi Tết Nguyên đán cận kề, tình trạng buôn lậu, mua bán trái phép pháo cũng diễn ra nhiều hơn. Người dân, nếu chưa hiểu hết về luật, cộng với ý nghĩ “hỷ sự thì được đốt pháo”, có thể sẽ gây nhiều hậu quả. Nhẹ thì có thể đối mặt với mức xử phạt vi phạm hành chính; còn nếu không may xảy ra tai nạn, sự cố ngoài ý muốn do pháo nổ thì còn nguy hiểm đến tính mạng bản thân và những người xung quanh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.