Không chỉ lối sống mà một số yếu tố khác cũng làm gia tăng đột quỵ. Những yếu tố này là huyết áp cao, tiểu đường loại 2 và thiếu nhận thức về căn bệnh này của cộng động, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Không chỉ người già mà người trẻ cũng có thể bị đột quỵ. Các thống kê cho thấy khoảng 20% số ca đột quỵ là người từ 20 đến 55 tuổi. Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong nhiều thứ 5 và gây liệt, tàn phế phổ biến nhất ở người lớn tuổi.
Khoảng thời gian "giờ vàng" để bác sĩ có thể cứu sống bệnh nhân là trong vòng 3 đến 4 giờ sau khi triệu chứng đột quỵ đầu tiên xuất hiện. Sau khoảng thời gian này, nếu các mạch máu quan trọng bị tắc nghẽn trong não không được khơi thông thì bệnh nhân sẽ có nguy cơ cao bị liệt, thậm chí tử vong. Điều này là do khi máu không thể lưu thông đến não thì mô não sẽ bị thiếu ô xy. Trong vòng 4 phút sau đó, tế bào não sẽ chết dần.
Tuy nhiên, "giờ vàng" lý tưởng nhất là trong vòng 60 phút sau khi xuất hiện triệu chứng. Đây là khoảng thời gian tối ưu để bác sĩ can thiệp. Trong đó, 10 phút là để đưa bệnh nhân đến phòng cấp cứu và bác sĩ đánh giá sơ bộ, 15 - 25 phút chụp CT, ít nhất 45 - 60 phút để lập kế hoạch điều trị và bắt đầu những can thiệp cần thiết.
Trong vòng 60 phút là khoảng thời gian "giờ vàng" lý tưởng nhất vì đây là thời điểm bệnh nhân đột quỵ có cơ hội sống sót cao nhất. Thuốc và các biện pháp điều trị y tế cũng có thể giúp ngăn hiệu quả các tổn thương lâu dài với não.
Người bệnh cần phải được đưa đến bệnh viện ngay lập tức nếu xuất hiện các triệu chứng đột quỵ như nhức đầu dữ dội, mất cảm giác nửa bên cơ thể, nói lắp, không thể nói chuyện, mất kiểm soát cơ ở nửa bên mặt, đột ngột mất thị giác và thính giác. Các triệu chứng đáng chú ý khác còn là nhìn đôi, mất khả năng phối hợp tay chân, chóng mặt, buồn nôn, co giật và bất tỉnh, theo Healthline.
Bình luận (0)