Đột quỵ quá đáng sợ, nhưng có thể tránh được bằng 9 cách này

15/07/2020 00:10 GMT+7

Cần phòng ngừa đột quỵ ngay từ hôm nay. Hãy bảo vệ bản thân và tránh đột quỵ, cho dù bạn đang ở tuổi nào, tiền sử gia đình ra sao.

Có thể làm gì để ngăn ngừa đột quỵ?
Tuổi càng lớn càng dễ bị đột quỵ, từng có người thân bị đột quỵ cũng dễ bị đột quỵ.
Không thể đảo ngược năm tháng hoặc thay đổi lịch sử gia đình, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát các yếu tố nguy cơ đột quỵ để phòng tránh.
Sau đây là 9 cách để kiểm soát ngay từ hôm nay để phòng tránh đột quỵ, trước khi xảy ra điều đáng tiếc, theo Health.harvard.edu.

1. Hạ huyết áp

Huyết áp cao là tác nhân lớn nhất dẫn đến nguy cơ đột quỵ. Nó làm tăng gấp đôi hoặc thậm chí gấp 4 lần nguy cơ đột quỵ nếu không được kiểm soát. Theo dõi huyết áp có thể bảo vệ mạch máu.
Nên duy trì huyết áp dưới 120/80.
Giảm lượng muối, lý tưởng là không quá 1.500 miligram mỗi ngày, khoảng nửa muỗng cà phê.
Tăng chất béo không bão hòa như dầu ô liu, dầu đậu nành, các loại hạt, các loại đậu, các loại cá béo, a xít béo omega-3, omega-6… đồng thời tránh thực phẩm có nhiều chất béo bão hòa như thịt bò, thịt cừu, thịt heo, thịt gà, các sản phẩm từ sữa như kem, sữa nguyên kem, bơ, phô mai, các loại dầu như dầu dừa.
Ăn 4 - 5 phần trái cây và rau quả mỗi ngày, ăn cá 2 - 3 lần một tuần và vài khẩu phần ngũ cốc nguyên hạt và sữa ít béo.

2. Giảm cân

Béo phì và các biến chứng như huyết áp cao và bệnh tiểu đường, làm tăng nguy cơ bị đột quỵ. Nếu bị thừa cân, giảm ít nhất 5 kg thực sự có thể giảm nguy cơ đột quỵ, theo Health.harvard.edu.
Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức vừa phải.
Không tiêu thụ quá nhiều calo mỗi ngày.

3. Tập thể dục nhiều hơn

Tập thể dục góp phần giảm cân và hạ huyết áp. Nên tập với cường độ vừa phải ít nhất 5 ngày một tuần.
Đi dạo quanh khu phố mỗi sáng sau khi ăn sáng.
Tham gia một câu lạc bộ thể dục với bạn bè.
Khi tập thể dục, nên đạt đến mức hơi khó thở, nhưng vẫn có thể nói chuyện.
Đi cầu thang bộ thay cho thang máy.
Có thể tập vài lần 10 đến 15 phút mỗi ngày.

4. Kiểm tra tim mạch

Một số loại bệnh tim mạch là yếu tố nguy cơ đột quỵ. Ví dụ, rung tâm nhĩ là một loại rối loạn nhịp tim có thể dẫn đến cục máu đông. Những cục máu đông sau đó có thể đi đến não, gây ra đột quỵ. Rung tâm nhĩ làm tăng nguy cơ đột quỵ lên gấp 5 lần, theo Health.harvard.edu.
Bệnh này có thể phát hiện dễ dàng.Nếu gặp các triệu chứng như tim đập nhanh hoặc khó thở, hãy đi khám ngay.
Có thể dùng thuốc chống đông máu để giảm nguy cơ đột quỵ do rung tâm nhĩ.
Cũng cần phải theo dõi tình trạng hẹp động mạch cảnh, xảy ra khi các động mạch cảnh - mang máu chứa ô xy đến phần trước của não - bị hẹp lại, thường là do xơ vữa động mạch. Điều này cũng có thể dẫn đến đột quỵ.

5. Điều trị bệnh tiểu đường

Lượng đường trong máu cao làm hỏng các mạch máu theo thời gian, làm cho cục máu đông có khả năng hình thành bên trong mạch máu.
Kiểm soát tốt lượng đường trong máu..
Theo dõi lượng đường trong máu theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Thực hiện chế độ ăn uống, tập thể dục và thuốc để giữ lượng đường trong máu trong phạm vi an toàn.

6. Bỏ thuốc lá

Nghiên cứu phát hiện hút thuốc làm tăng nguy cơ đột quỵ lên đến 600%.
Hút thuốc làm tăng tốc sự hình thành cục máu đông, do làm máu đặc lại, và làm tăng lượng mảng bám tích tụ trong động mạch. Cùng với chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên, cai thuốc lá giúp giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ.
Đừng bỏ cuộc. Hầu hết những người hút thuốc cần một vài lần cố gắng để bỏ thuốc.

7. Tiêu thụ ít đường

Tiêu thụ nhiều đường có thể dẫn đến béo phì hoặc tiểu đường, là những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra đột quỵ.

8. Đi bộ hằng ngày

Chỉ cần đi bộ 20 phút mỗi ngày mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe có thể làm giảm nguy cơ bị đột quỵ. Ngược lại, lối sống ít vận động là yếu tố nguy cơ của đột quỵ và nhiều vấn đề sức khỏe khác, theo Health.harvard.edu.

9. Ăn uống lành mạnh

Ăn uống không lành mạnh có thể dẫn đến nhiều vấn đề như xơ vữa động mạch, béo phì, tiểu đường, huyết áp cao... Tuy nhiên, chúng ta không nên thay đổi triệt để chế độ ăn uống mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Cần ăn uống bổ dưỡng, tập thể dục, cố gắng giữ cân bằng công việc/cuộc sống và thường xuyên kiểm tra sức khỏe 1 lần một năm.

Cách nhận biết đột quỵ

Có rất nhiều người bỏ qua các dấu hiệu đột quỵ vì cứ nghi ngờ liệu các triệu chứng có đúng là đột quỵ không. Đừng chần chờ nếu gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào. Lắng nghe cơ thể và tin vào bản năng. Nếu có gì đó không ổn, hãy đi cấp cứu ngay lập tức.
Dấu hiệu của đột quỵ bao gồm, theo Health.harvard.edu.
● Yếu ở một bên của cơ thể
● Tê mặt
● Đau đầu bất thường và nghiêm trọng
● Mất thị lực
● Tê và ngứa ran
● Đi đứng không vững
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.