Đột tử trên đường chạy marathon TP.HCM: Cách nào rà soát sức khỏe thí sinh?

15/01/2019 18:34 GMT+7

Câu chuyện chàng trai 24 tuổi đột tử trên đường chạy marathon TP.HCM ngày 13.1 khiến nhiều người bàng hoàng. Phong trào chạy marathon đang lan tỏa mạnh mẽ trong giới trẻ, làm sao để rà soát sức khỏe thí sinh, đảm bảo an toàn?

Ngày 15.1, trao đổi với phóng viên Thanh Niên, một nguồn tin trong ban tổ chức của cuộc thi HCMC marathon 2019 cho biết, việc chàng trai Võ Văn Thơm, 24 tuổi, đột ngột tử vong khi đang chinh phục hành trình 42 km là một sự cố rất đáng tiếc. Ban tổ chức đã về quê nhà dự tang lễ của Thơm tại xã Chí Công, huyện Tuy Phong, Bình Thuận và gửi gia đình 100 triệu đồng, chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình.
Trả lời phóng viên Thanh Niên về việc, vậy ban tổ chức làm sao để có thể rà soát tình trạng sức khỏe của tất cả các thí sinh trước khi thi marathon, tránh những trường hợp xấu như của Thơm, nguồn tin này cho hay: “Có tất cả 9.151 thí sinh tham gia cuộc thi HCMC marathon 2019. Kể các các cuộc thi marathon trên thế giới, ban tổ chức không thể tổ chức các cuộc thăm khám sức khỏe cho hàng ngàn thí sinh tham gia, do đó, các thí sinh trước khi quyết định tham gia thi, phải đi khám sức khỏe, có sự đồng ý của bác sĩ để tham gia thi. Cá nhân người tham gia thi phải hiểu tình trạng sức khỏe mình trước tiên, có ý thức bảo vệ chính mình. Điều kiện bắt buộc của thí sinh muốn thi HCMC marathon 2019 là gửi bản cam kết, chịu toàn bộ trách nhiệm về tình hình sức khỏe của mình trong suốt hành trình”.
Theo đại diện ban tổ chức, trong suốt hành trình các vận động viên tham gia chạy, đều có lực lượng y tế, xe cấp cứu theo sát, khi có bất cứ sự cố nào xảy ra cho vận động viên đều sẽ can thiệp kịp thời.
Travel blogger Liên Phạm, người tham gia nhiều cuộc thi marathon và là người hoàn thành hành trình 42 km tại HCMC marathon 2019 cho hay, các thí sinh tham gia thi chạy marathon không nên chủ quan với sức khỏe, ngoài việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên thì không ai hiểu bản thân mình hơn chính mình. Nếu có bất cứ vấn đề sức khoẻ, tuyệt đối không tham gia. Bên cạnh việc tập luyện nhiều ngày, đúng giáo trình, đặc biệt nên lắng nghe cơ thể, không nên quá gắng sức.
Các vận động viên của HCMC marathon 2019 chinh phục cầu Phú Mỹ Khả Hòa
Ông Trịnh Đức Thanh, Trưởng bộ môn điền kinh TP.HCM nói với phóng viên Thanh Niên: “Phải thừa nhận một thực tế từ năm 2013 phong trào chạy marathon đang lan toả mạnh mẽ trong giới trẻ, tuy nhiên không phải ai cũng nắm được hết nguyên tắc đảm bảo an toàn sức khoẻ cho chính bản thân người chạy, ví dụ như cần nghiên cứu giáo trình tập luyện, những điều vận động viên phải ghi nhớ, tuy nhiên phần này nhiều bạn trẻ hay chủ quan mà bỏ qua. Tôi luôn nhấn mạnh, bạn trẻ cần tập luyện thường xuyên, đều đặn, có người hướng dẫn, cấp độ tập luyện tăng dần dần, khởi động đúng cách, chăm sóc dinh dưỡng đúng cách…”.
Ông Thanh cho rằng, có một thực tế nguy hiểm hiện nay mà nhiều bạn trẻ không biết, đó là ham quá nhiều cuộc thi, vừa tham gia một cuộc thi marathon này, cơ thể chưa kịp phục hồi đã tham gia một cuộc thi khác, khi đó, rất dễ xảy ra những biến cố nguy hiểm cho sức khoẻ. Ông Thanh nói, sẽ đề xuất với ban tổ chức, trước các giải marathon sắp tới, sẽ cần khuyến cáo với các thí sinh độ nguy hiểm nếu các thí sinh thi các giải thể thao quá gần nhau. Như vậy, hi vọng sẽ tránh được nhiều vụ tai nạn ngoài ý muốn.
“Với những vận động viên phong trào mới thi marathon, phải thật sự thận trọng với những đường đua 42 km. Tôi cho rằng cần phải tập luyện marathon tối thiểu từ 5 năm trở đi, hãy nghĩ tới đường chạy 42 km. Có thể bắt đầu các chặng chạy ngắn, từ 5 km, 10 km dần dần nâng cấp độ, đừng vì những thách đố của các bạn bè mình trong hội, nhóm mà gắng quá sức bản thân, dẫn tới những hậu quả đáng tiếc”, ông Thanh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.