Dota 2 Việt Nam từ tự hào cho đến thất vọng

02/06/2015 17:00 GMT+7

Mới đây, việc phanh phui vụ bán độ trăm triệu của Aces Gaming đã thực sự khiến người hâm mộ Việt Nam vô cùng thất vọng.

Vụ bán độ của Aces Gaming vừa được tiết lộ vào chiều qua (1.6) quả thật là một cú sốc và là một điều ít ai ngờ tới. Dẫu vẫn biết bán độ trong Dota 2, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á - vùng trũng của Dota 2 thế giới là một điều không mới nhưng vụ việc lần này lại có bắt nguồn từ Aces Gaming - niềm tự hào của Việt Nam trên đấu trường quốc tế.

Hơn thế nữa, khá nhiều người hâm mộ cảm thấy buồn và sốc, khi những người trực tiếp tham gia vụ việc lại chính là những game thủ mà họ đã từng yêu quý, cổ vũ, cũng như một thời đặt trọn niềm tin.

(Ảnh: Aces Gaming)

Nhớ lại thời gian trước, khi Aces tăng cường Kua và SPH, một người đi Mid tốt nhất Việt Nam, người còn lại cũng nằm trong top 5 người chơi hỗ trợ hàng đầu, cộng đồng Dota 2 Việt Nam khá háo hức cũng như hi vọng Aces Gaming sẽ có một bước tiến trên đấu trường quốc tế. Và quả thật, đã có những thời khắc chúng ta được sống trong không khí sôi động, hào hứng, cổ vũ hết mình với Aces Gaming. Khi đó lượng người theo dõi một trận đấu của Aces nhiều ngang ngửa với lượng người xem Na`Vi thi đấu.

Đáp lại sự kỳ vọng của người hâm mộ, Kua, Misa, QQ cũng đã trình diễn cho khán giả một lối chơi vô cùng đẹp mắt, mãn nhãn, bên cạnh đó là những trận thắng bất ngờ và vô cùng nghẹt thở. Để rồi đến khi biết tin Aces chính thức tan rã, cảm xúc của người hâm mộ lại chuyển sang buồn bã, tiếc nuối. Tuy nhiên, sau khi vụ việc bán độ được phanh phui ngày hôm qua (1.6), tất cả mọi cảm xúc đã biến mất, thay vào đó là sự thất vọng, thất vọng cực kỳ với những con người mà mình từng đặt trọn niềm tin.

Người hâm mộ đã từng háo hức khi Kua và SPH gia nhập Aces.Gaming (Ảnh: Aces Gaming)

Nói đến bán độ, nguyên nhân đầu tiên mà ai cũng nghĩ đến chắc hẳn sẽ bắt đầu bằng chữ "Tiền".  Aces là đội tuyển có tài trợ, họ có lương, có chỗ ăn ở, tập luyện, thế là quá đủ cho một game thủ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết hết những khó khăn đằng sau sự việc, đặc biêt là với Kua và SPH - hai game thủ quyết định rời bỏ quê hương để Nam tiến, quyết tâm theo đuổi đam mê của mình.

Tiền luôn là nguyên nhân chủ yếu trong mỗi kèo bán độ (Ảnh: mineski.net)

Theo tiết lộ từ Yuki - quản lý của Aces, lương cơ bản của mỗi thành viên trong Aces là 5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, họ được hỗ trợ chỗ ở, cũng như nơi tập luyện, còn lại thì tiền ăn cũng như mọi chi phí phát sinh không thuộc trách nhiệm của nhà tài trợ. 5 triệu đồng không phải là con số quá lớn, tuy nhiên, có thể coi là đủ dùng. Nhưng khái nhiệm đủ dùng thì còn phụ thuộc vào điều kiện của mỗi cá nhân.

Trận đấu giữa Aces với G-Guard trong khuôn khổ Starladder đã bị phanh phui bán độ

Như Misa, trong đoạn chatlog dưới đây, anh nói mình cần tiền để trang trải tiền thuốc men cho người bố đang bị bệnh. Có lẽ, nhưng khó khăn tài chính cũng như đam mê, nhiệt huyết trong họ đã vơi đi phần nào khiến họ dễ dàng sa ngã. Có trách thì trách nghề game thủ tại Việt Nam bạc bẽo. Đánh hay thì được tung hô, đánh dở thì bị chửi nhưng có ai cùng họ thật sự sẻ chia những khó khăn?

Dù sao đi nữa, bán độ vẫn là một việc không thể chấp nhận được. Nếu họ tự nhận mình là game thủ, là vận động viên thể thao điện tử chuyên nghiệp thì bán độ là việc làm trái đạo đức nghề nghiệp.

Chia sẻ của Misa về nguyên nhân anh cần tiền bán độ

Ngay khi tin tức này xuất hiện trên Gosu Gamers, có khá nhiều bình luận cho rằng điều này không có gì bất ngờ đối với nền Dota 2 tại khu vực Đông Nam Á. Trong quá khứ, ngoài Aces thì những Arrow, Minesky hay MSI cũng đã nổi tiếng qua những vụ bán độ tại các giải đấu quốc tế. Ở vùng trũng này, những đội tuyển Dota 2 chuyên nghiệp thường nhận được tài trợ khá ít, bên cạnh đó họ cũng không có nhiều những giải đấu, với số tiền thưởng cao để tham dự.

Khả năng quản lý, tổ chức của các đội cũng khá lỏng lẻo. Chưa kể, ở nhiều quốc gia như Việt Nam, game thủ cũng là nghề chưa được xã hội công nhận, cũng như chưa có những quyền lợi cơ bản, cụ thể.

Qua sự việc này, người viết tự hỏi liệu đến bao giờ Dota 2 ở Việt Nam mới có thể phát triển thành một môn thể thao điện tử, có nhiều giải đấu để game thủ tự nuôi bản thân, có dư, xem nó như một nghề thật sự. Mà cũng khó, cộng đồng thì thích ném đá hội nghị, nhiều người nhìn vào chán nản chỉ biết thốt lên từ "nát", xem thì chỉ biết chỉ trích, chẳng bao giờ lắng nghe, nhà tài trợ cắt lương của game thủ. Đến nay thì niềm hi vọng duy nhất từ trước đến nay cũng "dính chàm", có lẽ chúng ta sẽ chỉ được sống mãi trong hoài niệm mà thôi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.