Vào tháng 5 vừa qua, cộng đồng game thủ trên thế giới đã được chứng kiến một phen "nhộn nhịp" khi mà hai đại gia của ngành công nghiệp game thế giới là Blizzard và Valve đã 'dắt tay nhau' đi thưa kiện Lilith Games cùng LongTu Game, hai đơn vị chủ quản có liên quan trực tiếp đến trò chơi Dota Truyền Kỳ, đương nhiên, nội dung kiện cáo chính là xoay quanh chủ đề bản quyền vốn đã "nhẵn mặt" với các hãng sản xuất game từ Trung Quốc.
Cho tới hiện tại, mặc dù vụ kiện cáo vẫn chưa xong xuôi, nhưng gần như cả hai 'ông lớn' thưa kiện đang dành những chiến thắng bước đầu. Ở phía còn lại, tức Lilith Games và LongTu Game, thì đang phải nhận những hậu quả khá nặng nề.
Cụ thể, về phía LongTu Game, họ đã phải tháo Đao Tháp Truyền Kỳ ra khỏi kho App Store toàn cầu. Bên cạnh đó, nhiều luồng thông tin đang nở rộ cho rằng hãng này phải đền bù số tiền lên đến 187 triệu USD.
Những mốc thời gian của vụ kiện tụng đình đám
Để độc giả cùng cộng đồng game thủ tiện theo dõi, Thanh Niên Game xin được điểm lại một vài mốc sự kiện quan trọng trong vụ scandal thuộc hàng đình đám nhất nhì lịch sử ngành game Trung Quốc. Xin lưu ý, tất cả những tên game được kể ra trong bài viết đều là phiên bản ở từng quốc gia khác nhau, của chung một tựa game đang được VNG phát hành ở Việt Nam là Dota Truyền Kỳ.
- Ngày 23.3.2015, Soul Clash được phát hành tại Nhật Bản, tuy nhiên chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ, game mobile này bị cộng đồng gamer Nhật phản đối, bài xích và tố cáo rằng đây là sản phẩm 'nhái' Heroes Charge - một sản phẩm với thiết kế hình ảnh - lối chơi tương tự, nhưng đã phát hành trước đó khá lâu ở gần 100 quốc gia và khu vực. Phản ứng trước việc này, Lilith Games (hãng sản xuất Soul Clash) quyết định kiện UCool (nhà sản xuất Heroes Charge).
- Ngày 18.4.2015, Blizzard đã thưa kiện LongTu Game và Lilith Games về việc Soul Hunters (tức Soul Clash) 'ăn cắp' bản quyền hình ảnh của DotA, và đương nhiên, Blizzard đã thắng kiện tại Đài Loan.
- Ngày 14.5.2015, trong khi vẫn đang đi kiện UCool, thì bất ngờ Lilith Games nhận được 'trát hầu tòa' từ phía Valve với các tội danh vi phạm bản quyền, sao chép ý tưởng từ Dota 2 và cạnh tranh không lành mạnh với mức bồi thường lên tới 5 triệu USD. Đồng thời, Valve và Blizzard đã trở thành hai nguyên đơn của cùng một vụ kiện.
- Ngày 7.10.2015, Đao Tháp Truyền Kỳ bỗng nhiên bị gỡ bỏ khỏi AppStore Trung Quốc, các nhà sản xuất Trung Quốc thông báo đó chỉ là một lỗi hệ thống hoàn toàn không liên quan tới vụ kiện tụng...
- Ngày 18.11, Allstar Heroes bị gỡ bỏ khỏi AppStore khu vực Bắc Mỹ, Blizzard đã lên tiếng về việc họ tạo áp lực bắt các đơn vị phát hành ở Bắc Mỹ phải gỡ bỏ tựa game này. Trong khi đó, cả LongTu Game và Lilith Games vẫn cương quyết "chỉ là lỗi hệ thống".
- Ngày 29.11.2015, rộ lên tin đồn Uoli Holdings Ltd. chính thức thông báo hủy toàn bộ thương vụ mua lại LongTu Game vì lý do hình ảnh và chiến lược kinh doanh đã bị ảnh hưởng bởi vụ kiện. Đồng thời, LongTu Game phải bồi thường 187 triệu USD (tương đương hơn 400 tỷ VNĐ) cho Uoli Holdings Ltd. Trong khi đó, vụ kiện của hai 'ông lớn' ngành game vẫn tiếp diễn với LongTu Game...
Số phận Dota Truyền Kỳ ở Việt Nam sẽ ra sao?
Có vẻ như Blizzard và Valve đang quyết tâm theo đuổi vụ kiện này đến cùng, và chiến thắng đang đến rất gần với 2 tập đoàn hùng mạnh nhất nhì làng game Thế giới này. Theo công bố trước báo giới, Blizzard và Valve yêu cầu Lilith Games lẫn LongTu Game phải bồi thường một khoản tiền khổng lồ vì vi phạm bản quyền hình ảnh, đồng thời tất cả các phiên bản ở các quốc gia cùng lượt tải game phải bị hủy ngay lập tức.
Tuy nhiên, trong một diễn biến mới nhất đến từ 'tâm thư' của người đứng đầu LongTu Game, có vẻ như mọi chuyện vẫn có thể dàn xếp "giữa các ông lớn với nhau"...
Giả sử trong trường hợp phía LongTu Game không thể dàn xếp vụ việc theo cách êm thắm, dĩ nhiên phần bất lợi sẽ thuộc về họ và những đối tác kinh doanh sản phẩm Đao Tháp Truyền Kỳ (tức Dota Truyền Kỳ) tại các quốc gia. Tuy nhiên, về căn bản thì đây vẫn chỉ là một vụ kiện "đòi quyền lợi" từ phía Valve và Blizzard, chính vì vậy nếu LongTu Game và các đối tác sẵn sàng "rút hầu bao" hoặc chấp nhận "san sẻ" một phần lợi nhuận từ Đao Tháp Truyền Kỳ cho "hai ông Tây lớn", thì rất có thể trò chơi này sẽ lại trở thành một sản phẩm mang "bản quyền hình ảnh" từ chính phía Valve hoặc Blizzard trong nay mai.
Thanh Niên Game đánh giá đây là khả năng lớn nhất có thể xảy ra trong vụ việc kiện tụng lần này, bởi lẽ hầu như bất kỳ xung đột trong kinh doanh nào thì 2 chữ "quyền lợi" vẫn luôn được đặt lên hàng đầu.
Trở về thị trường Việt với sản phẩm Dota Truyền Kỳ do VNG phát hành, vẫn chưa thể nói rằng sản phẩm này có bị ảnh hưởng bởi vụ kiện tụng trên hay không. Tuy nhiên, trong ngày hôm qua (2.12), Dota Truyền Kỳ bống nhiên đổi tên thành Đao Tháp Truyền Kỳ (cùng tên với phiên bản gốc đang bị kiện cáo) trên hệ thống Google Play, động thái này khiến cộng đồng game thủ Dota Truyền Kỳ khá lo lắng. Thế nhưng, một số luồng thông tin cho rằng, Đao Tháp Truyền Kỳ chỉ đơn giản là tên phiên bản cập nhật tiếp theo của Dota Truyền Kỳ tại Việt Nam.
Thanh Niên Game sẽ tiếp tục cập nhật thông tin đến quý độc giả.
Bình luận (0)