Năm 2017, dự án Nông nghiệp công nghệ cao (dự án Khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi bò và chế biến các sản phẩm từ sữa) đầu tiên của Bình Thuận được khởi công trên diện tích đất 835 ha (ở H.Bắc Bình, Bình Thuận) có tổng vốn hơn 3.000 tỉ đồng, nhưng đến nay dự án chỉ nuôi vài chục con bò.
Xin chuyển sang nuôi... lợn
Từ QL1 rẽ vào QL28B, đi khoảng 10 km thì gặp bảng hiệu “Khu chăn nuôi bò sữa, bò thịt công nghệ cao”, dự án do Công ty CP sữa Thông Thuận (gọi tắt Thông Thuận) làm chủ đầu tư.
Sau 3 năm khởi công, con đường vào dự án vẫn đầy ổ voi, ổ gà, không một bóng người, lác đác vài mảnh ruộng lúa vừa gặt xong. Khu vực này, cách đây 3 năm, khi khách vào thăm phải bước chân qua bộ khử trùng để phòng dịch rất nghiêm ngặt nhưng giờ đây, dự án như một cánh đồng hoang. Ông Khiêm (bảo vệ) cho biết, ông được điều đến đây làm nhiệm vụ cho một công ty thuê lại trang trại của Thông Thuận để nuôi bò thịt. Mùa khô, cánh đồng cỏ của dự án chỉ toàn những ruộng cỏ cằn cỗi. Khu chuồng bò rộng mênh mông, nhưng chỉ còn vài con bò gầy nhom nằm nhìn ra đồng cỏ khô cháy. Ông Khiêm nói, đó là bò thịt của công ty thuê lại chuồng bò của Thông Thuận nuôi lấy thịt.
Ông Huỳnh Duy Khôi, Phó chủ tịch UBND H.Bắc Bình cho biết, từ năm 2016, UBND tỉnh Bình Thuận đã giao đất cho Thông Thuận làm dự án. Do triển khai không đúng tiến độ, hiện nay để các hộ dân tái lấn chiếm hơn 100 ha. Dự án hiện còn khoảng 500 con bò. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, chúng tôi ghi nhận có vài chục con bò gầy trơ xương (khác với khu cho công ty khác thuê nuôi bò - PV).
“Hiện nay, Thông Thuận muốn chuyển dự án từ chăn nuôi bò sang chăn nuôi lợn nhưng Sở KH-ĐT Bình Thuận không chấp nhận vì không phù hợp với cam kết ban đầu. Thông Thuận vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án cho nhà nước”, ông Khôi cho hay.
Sẽ thu hồi dự án nếu chậm thực hiện
Theo tìm hiểu, vào ngày 15.11.2019, Công ty Thông Thuận có báo cáo, cho biết chỉ thực hiện dự án trên phần đất 368 ha/479 ha được giao cho dự án chăn nuôi bò thịt, bò sữa công nghệ cao, diện tích còn lại dân đang sử dụng (111 ha).
Về việc chưa ký quỹ đầu tư, Thông Thuận cho rằng số tiền quá lớn, công ty chưa sắp xếp được. Đồng thời xin chuyển qua nuôi heo nhưng không được chấp thuận. Ông Phan Văn Tấn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận thì cho rằng, do khí hậu khắc nghiệt, đồng cỏ cho sản lượng rất thấp, không đủ để nuôi đến 23.600 con bò theo quy mô của dự án (trong đó có đến 17.600 bò lấy sữa). Hiện bò của Thông Thuận đã chuyển đi tỉnh khác để chăn nuôi do thiếu cỏ.
“Sở đang đề nghị công ty điều chỉnh lại quy mô để tiếp tục triển khai dự án vì theo cam kết thì dự án đã chậm một năm”, ông Tấn nói.
Ngoài trại chăn nuôi, Thông Thuận còn được giao 24 ha đất để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sữa (từ bò sữa của dự án) và nhà máy sản xuất nước giải khát. Hai nhà máy này chủ đầu tư cam kết hoàn chỉnh trong 36 tháng đi vào hoạt động. Tuy nhiên cho tới nay, đã gần 4 năm chủ đầu tư mới làm được con đường nhựa chừng 500 m; xây khu nhà ở, nhà ăn cho công nhân. “Khả năng triển khai tiếp hai nhà máy này là rất khó vì không nuôi được bò sữa thì lấy đâu sữa mà chế biến”, một cán bộ H.Bắc Bình nói.
Theo lãnh đạo Sở KH-ĐT Bình Thuận, dù được đôn đốc triển khai, nhưng đến nay chủ đầu tư thiếu quyết tâm, thiếu thiện chí đầu tư. “Trong trường hợp chủ đầu tư không chứng minh được năng lực tài chính, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng tiến độ cam kết, thì sở tham mưu cho UBND tỉnh Bình Thuận thu hồi dự án”, lãnh đạo Sở KH-ĐT cho hay.
Một cán bộ UBND xã Sông Bình cho biết thêm: “Việc Công ty Thông Thuận chậm triển khai dự án không chỉ lãng phí đất đai của nhà nước với diện tích hơn 835 ha, gây bức xúc trong nhân dân; mà còn tạo điểm nóng về an ninh trật tự, do để tái lấn chiếm, tranh chấp đất đai, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước tại địa phương...”.
Dự án Khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi bò và chế biến các sản phẩm từ sữa được quy hoạch 835 ha, tạo đồng cỏ để nuôi 23.600 con bò (17.600 con bò sữa). Thông Thuận tham vọng tạo ra sản phẩm thịt sạch, nước uống và sữa “ThongThuan Milk” với nhà máy chế biến sữa quy mô 100 triệu lít sữa/năm. Nhưng hơn 3 năm qua, dự án nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên của tỉnh gần như đã thất thủ.
|
Bình luận (0)