Dự án bất động sản ăn theo metro, đường sắt

19/11/2021 16:42 GMT+7

Dọc tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) dù chỉ dài hơn 13 km nhưng có đến hơn 100 dự án bất động sản đã và đang được phát triển. Trong khi đó, dọc tuyến metro số 1 (TP.HCM) cũng có hơn 30 dự án “ăn theo”.

Theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông mới khai trương là một trong những tin đáng mừng cho hệ thống giao thông đô thị Hà Nội. Đồng thời, việc tuyến đường sắt vận hành cũng đem lại nhiều tác động đến thị trường bất động sản dọc theo khu vực nhờ sự thuận tiện trong việc di chuyển của người dân.

Ông David Jackson cho biết, tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành từ ga Cát Linh đến ga Yên Nghĩa với chiều dài 13,05 km, gồm 12 ga trên lộ trình: Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng - Đại học Quốc gia - vành đai 3 - Thanh Xuân - Bến xe Hà Đông - trung tâm Hà Đông - La Khê - Văn Khê - Bến xe Hà Đông mới và khu đề-pô tại Ba La. Theo khảo sát của Colliers Việt Nam, hiện nay trên trục đường này đã có khoảng hơn 100 dự án bất động sản đã và đang được phát triển. Nhiều dự án dường như đã bị thị trường “lãng quên” từ lâu cũng đang thu hút được sự quan tâm trở lại nhờ sự khởi động của dự án này.

Tại TP.HCM, mặc dù chưa đi vào hoạt động với nhiều lần “lỡ hẹn”, tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đã tạo ra một làn sóng đầu tư bất động sản bao quanh, từ những dự án nhà ở đến các trung tâm thương mại sầm uất. Từ năm 2016 đến nay, đã có hơn 30 dự án bất động sản phát triển dọc tuyến metro này. Giá mở bán các dự án bất động sản tại những quận có tuyến metro này đi qua trong giai đoạn 2012 - 2016 tăng mạnh từ khoảng 150 - 200% so với các khu vực khác. Đến nay, những dự án hiện hữu nằm dọc theo tuyến cũng tăng từ 15 - 50% so với giá bán ban đầu.

Các dự án bất động sản ăn theo tuyến metro số 1

ĐÌNH SƠN

Tương tự, tại các đô thị lớn của những quốc gia đang phát triển cũng cho thấy sự tăng trưởng về giá bất động sản quanh khu vực trục giao thông mới. Tại Ấn Độ, hệ thống các tuyến tàu điện ngầm đã khiến giá đất tăng khoảng 15 - 20% trong phạm vi 500 m đổ lại sau khi hệ thống này đi vào vận hành. Bên cạnh đó, việc giảm chi phí, thời gian đi lại và cải thiện cơ hội việc làm cũng giúp làm tăng giá bất động sản thương mại như văn phòng, bán lẻ lên đến 20 - 25%.

Trong khi đó, theo ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty Trường Phát, việc triển khai hành lang tàu điện ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực bất động sản vì nó làm tăng giá trị đất, thay đổi sử dụng đất và mật độ dân cư dọc theo tuyến. Ngoài ra, các hệ thống giao thông công cộng như tàu siêu tốc và tàu điện một ray góp phần đáng kể vào việc giải quyết các vấn đề giao thông. Do đó, các dự án được quy hoạch xung quanh khu vực lân cận chứng kiến giá trị bất động sản đô thị tăng lên, do người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn để có được sự thuận tiện.

“Vấn đề giao thông và kết nối là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc lựa chọn bất động sản nhà ở và thương mại, nhất là trong thời điểm các đô thị mới như Hà Nội đang đối mặt với bài toán về gia tăng dân số, ách tắc giao thông và ô nhiễm không khí. Chính vì vậy, tôi tin rằng việc đưa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào vận hành sẽ là một cú hích lớn cho giá trị của các dự án bất động sản trong khu vực, góp phần tạo nên một bộ mặt hiện đại hơn cho thành phố”, ông Dũng cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.