Dự án bờ bao sông Thị Tường có nhiều sai sót

07/04/2018 19:12 GMT+7

Theo Ban Quản lý dự án công trình NN-PTNT tỉnh Cà Mau công trình tuyến bao bờ sông Thị Tường đi qua địa bàn 2 xã Hòa Mỹ, Hưng Mỹ có nhiều sai sót.

Ngày 7.4, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, Ban Quản lý dự án (QLDA) công trình NN-PTNT tỉnh Cà Mau đã có báo cáo về những sai sót của công trình tuyến bao bờ sông Thị Tường đi qua địa bàn 2 xã Hòa Mỹ, Hưng Mỹ (H.Cái Nước, Cà Mau).
Công trình tuyến bao bờ sông Thị Tường thuộc Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi tiểu vùng III - Nam Cà Mau, được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT phê duyệt. Dự án đầu tư 18 cống và 1 tuyến bao bờ sông Thị Tường với mức đầu tư 200 tỉ đồng; trong đó ngân sách T.Ư 178 tỉ đồng, còn lại ngân sách địa phương.
Riêng hạng mục bờ bao sông Thị Tường được khởi công ngày 10.2.2017 và thời gian hoàn thành là 15.3.2018. “Hạng mục này có giá trị 18,9 tỉ đồng, do Công ty CP xây dựng công trình Hồng Lâm thi công”, ông Lâm Minh Thời, Giám đốc Ban QLDA công trình NN-PTNT tỉnh Cà Mau, thông tin.
Tính đến thời điểm này, như hợp đồng ký kết thì công trình đã hoàn thành, nhưng theo báo cáo của Ban QLDA, công trình mới hoàn thành 63% giá trị hợp đồng và đổ bê tông mặt đường được 4.000/6.200 m tổng chiều dài công trình.
Điều đáng nói là trong quá trình đo đạc cắm mốc giải phóng mặt bằng, Trung tâm kỹ thuật công nghệ quan trắc TN-MT (đơn vị thực hiện) không phối hợp chủ đầu tư và chính quyền địa phương nên cắm mốc sai mặt bằng xây dựng. Chiều rộng cần xây dựng từ 7 - 9 m nhưng đơn vị tư vấn đo đạc lại cắm mốc 5 m. Được biết, liên quan việc này, chủ đầu tư phải đến 2 xã trên tổ chức họp và xin lỗi dân.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trương Tấn Tới (ngụ ấp Thị Tường B, xã Hòa Mỹ nói): “Khi cán bộ tổ chức họp thông báo để thực hiện công trình dân hiến 5 m đất. Sau đó lại họp dân nói phải hiến 10 m và dân chúng tôi vẫn đồng ý. Nhưng mấy ông ấy lại thất hứa với bà con, ban đầu hứa hỗ trợ tiền làm cống nhưng cuối cùng không hỗ trợ khiến người dân bức xúc”.
Ông Trương Tấn Tới khẳng định nhà thầu thi công công trình cảu thả ẢNH: GIA BÁCH

Anh Bùi Thanh Vũ (ngụ ấp Thị Tường B) bức xúc: “Tôi không biết mấy ổng thiết kế sao mà ống bọng (đường dẫn nước đặt ngầm dưới công trình dẫn vào vuông nuôi tôm) nhà tôi lại không có. Khi tôi cải tạo vuông tôm xong thì không có đường dẫn nước vào buộc tôi phải đào cắt ngang lộ dẫn nước vào vuông tôm để kịp vụ sản xuất”.

Không được đơn vị thi công làm ống bọng dẫn nước người dân tự đào mương cắt ngang lộ để dẫn nước vào vuông nuôi tôm ẢNH: GIA BÁCH

Ông Tới kể thêm: “Lấy đất dưới lòng sông đánh taluy, rồi đắp công trình. Có những đoạn có lá dừa nước nhưng đơn vị không móc lên mà để vậy đánh taluy bơm cát. Một công trình mà họ làm cẩu thả như thế thì thử hỏi theo thời gian làm sao không bị sụp”.

Hộ ông Lương Việt Dũng bức xúc: “Theo thiết kế thì san lấp cát từ 5 - 7 tấc nhưng thực tế chỉ hơn 3 tấc. Một số đoạn đường họ không lu lèn nền đất và cát, mượn đất đắp đường nhưng không đắp trả cho dân”.

Người dân dùng nilon lằm nắp ống bọng dẫn nước vào vuông tôm ẢNH: GIA BÁCH

“Do công trình chậm trễ, gây khó khăn cho việc đi lại, học sinh đi té lên té xuống. Tôi phải chuyển cháu tôi đi trường khác học, chứ đường này đi đâu có được”, ông Tấn Tới nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.