Dự án BOT Cầu Bạch Đằng bị đề nghị giảm 2,4 năm thu phí

12/05/2019 12:04 GMT+7

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị không tính vào chi phí hoàn vốn của dự án BOT cầu Bạch Đằng tổng số tiền trên 286 tỉ đồng, đồng thời giảm hơn 2,4 năm thu phí so với phương án tài chính của hợp đồng BOT.

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị không tính vào chi phí hoàn vốn của dự án BOT Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến tổng số tiền trên 286 tỉ đồng, đồng thời cần giảm hơn 2,4 năm thu phí so với phương án tài chính của hợp đồng BOT.
Kiểm toán Nhà nước vừa thông báo kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến theo hình thức BOT. Theo đó, quá trình thực hiện dự án còn một số hạn chế cần chấn chỉnh, khắc phục.

Chi phí tăng do sai định mức, đơn giá

Theo kết quả kiểm toán, chi phí đầu tư thực hiện dự án tính đến 30.9.2018 của Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng trên 4.319 tỉ đồng; giá trị được kiểm toán trên 4.312 tỉ đồng; số kiểm toán trên 4.145 tỉ đồng, chênh lệch giảm trên 167 tỉ đồng do sai khối lượng, sai đơn giá và sai khác. Kiểm toán giá trị còn lại 433 tỉ đồng, Kiểm toán cũng kiến nghị giảm trên 193 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh dự án đầu tư như: Tổng mức đầu tư lập chưa rõ ràng, chưa có đủ dữ liệu báo giá vật tư nhà sản xuất và công bố giá vật liệu để xây dựng dự toán công trình; tổng mức đầu tư điều chỉnh còn một số chi phí tạm tính; bố trí đường cong tròn mặt cầu, độ dốc dọc đường dẫn cầu chưa phù hợp, khoảng cách từ trạm thu phí đến đầu dốc cầu có thể ảnh hưởng đến quá trình lưu thông...
Mặt khác, công tác thẩm định phê duyệt dự toán còn chậm; dự toán chỉnh giá chưa chuẩn xác; không có bản vẽ thiết kế, dự toán tạm tính, chưa đủ cơ sở xác định mức độ chính xác, phù hợp các quy định...
Trong công tác quản lý chất lượng công trình, theo thông báo của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, mặc dù dự án đã được đồng ý đưa vào khai thác tạm thời, nhưng đơn vị cần tiếp tục theo dõi hiện tượng nứt bề mặt bê tông các thân trụ tháp; chưa lập hồ sơ tổ chức khắc phục các dầm super T bị thiếu chiều dày lớp bê tông bảo vệ, sửa chữa dầm ngang nứt do không đảm bảo khoảng trống giữa đáy dầm ngang và đỉnh ụ chống xô; mặt cầu có biểu hiện ghập ghềnh, lượn sóng tại vị trí các nhịp bố trí dây văng từ trục T27 đến trụ T31.
Kiểm toán cũng chỉ ra công tác quản lý chi phí đầu tư, việc nghiệm thu và thanh toán một số khối lượng và đơn giá còn chưa phù hợp; thanh toán trùng khối lượng; chi vượt dự toán được duyệt hoặc không tuân thủ các điều khoản cam kết trong hợp đồng.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư chưa có phương án thực hiện thanh lý, thu hồi giá trị vật tư, thiết bị còn lại đối với gói thầu điện tạm phục vụ thi công sau khi thi công xong. Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh chưa thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát của đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Phải giảm thời gian thu phí

Từ các sai sót phát hiện qua kiểm toán, KTNN kiến nghị Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng điều chỉnh sổ kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán; không tính vào chi phí hoàn vốn của dự án trên 286 tỉ đồng; phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND tỉnh Quảng Ninh rà soát, xử lý theo đúng quy định trên 88 tỉ đồng gồm giá trị nghiệm thu và giá trị hợp đồng còn lại; giảm 2,42 năm thu phí so với phương án tài chính của Hợp đồng BOT.
Cơ quan này kiến nghị Sở Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Quảng Ninh đôn đốc Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng thực hiện nghiêm túc kết luận, kiến nghị của KTNN; phối hợp với Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến chậm tiến độ Dự án để xác định trách nhiệm của các bên liên quan và xử phạt theo hợp đồng, không tính chi phí lãi vay phát sinh do chậm tiến độ thuộc về doanh nghiệp dự án và nhà thầu;
Đồng thời, phối hợp với Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng thực hiện rà soát, cập nhật những thay đổi của các chỉ tiêu trên phương án tài chính để làm cơ sở tính toán, điều chỉnh phương án tài chính của dự án, bảo đảm sự hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng sau khi dự án được phê duyệt báo cáo quyết toán dự án hoàn thành.
KTNN cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm các bên liên quan trong việc để xảy ra hiện tượng mặt cầu hoàn thành ghập ghềnh, lượn sóng và đôn đốc các nhà đầu tư, các đơn vị liên quan có biện pháp xử lý mặt cầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.