Dự án BOT QL1 qua Khánh Hòa: Lập dự toán 'vống' gần 1.300 tỉ đồng

01/06/2016 06:09 GMT+7

Tổng vốn đầu tư trên thực tế được xác định chỉ là hơn 1.400 tỉ đồng, trong khi dự toán được lập ban đầu lên đến gần 2.700 tỉ đồng, phần chênh lệch tới 1.282 tỉ đồng.

Thanh tra Bộ KH-ĐT vừa hoàn tất kết luận thanh tra dự án mở rộng QL1 qua Khánh Hòa (đoạn từ Km 1.488 đến Km 1.525) theo hình thức BOT, do Công ty TNHH đầu tư 194 thực hiện thông qua chỉ định thầu. Ban Quản lý dự án 7 của Bộ GTVT là đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điểm đáng chú ý nhất là dự án có chi phí thực chỉ gần bằng 1/2 so với tổng mức đầu tư được tính toán ở giai đoạn lập dự án.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 10.2015, khi dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hơn một tháng, tổng vốn đầu tư trên thực tế được xác định chỉ là hơn 1.400 tỉ đồng, trong khi dự toán được lập ban đầu lên đến gần 2.700 tỉ đồng, phần chênh lệch tới 1.282 tỉ đồng.
Sở dĩ có sự khác biệt này, trước hết, theo Thanh tra Bộ KH-ĐT là do không phải sử dụng khoản 652 tỉ đồng chi phí dự phòng. Ngoài ra, phần vốn vay giải ngân đến khi hoàn thành mới đạt 1.000 tỉ đồng trong khi hợp đồng vay với ngân hàng là 2.354 tỉ đồng.
Nhờ đó, phần chi phí lãi vay trong phương án tài chính ban đầu dự tính khoảng 343 tỉ đồng thì trên thực tế chỉ mất hơn 62 tỉ đồng (chênh lệch gần 281 tỉ đồng). Bên cạnh đó, chi phí giải phóng mặt bằng cũng chỉ mất chưa tới 72 tỉ đồng, giảm hơn 200 tỉ đồng so với kế hoạch dự trù khoảng 274 tỉ đồng.
Thanh tra kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định lại thời gian hoàn vốn cho dự án thay vì hợp đồng ban đầu lên tới 22 năm 7 tháng 5 ngày.
Kết quả kiểm tra cũng cho thấy còn nhiều sai sót từ khâu lập, thẩm tra, phê duyệt dự án đã làm tăng chi phí xây lắp trong tổng mức đầu tư thêm 67 tỉ đồng.
Cụ thể, Bộ GTVT đã cho phép bổ sung 10% phụ cấp không ổn định sản xuất là chưa đúng thẩm quyền và làm tăng tổng mức đầu tư khoảng 28,5 tỉ đồng. Cơ quan quản lý cũng cho áp dụng lương tối thiểu vùng trong dự toán thay vì phải dùng lương cơ sở (tối thiểu chung) khiến chi phí nhân công đội thêm hơn 11 tỉ đồng. Như vậy, riêng phần chi phí nhân công chưa phù hợp đã làm tăng mức đầu tư thêm gần 40 tỉ đồng.
Trong công tác triển khai và thực hiện thi công, nhà đầu tư cũng tính toán chi phí nhân công chưa hợp lý làm tăng kinh phí 13,47 tỉ đồng. Đến giai đoạn thi công, dự án có 8 cây cầu thì tại cả 8 gói thầu cầu đều có sai sót từ khâu xác định khối lượng, định mức, đơn giá và biện pháp thi công dẫn đến chênh lệch so với dự toán tổng số tiền hơn 4,5 tỉ đồng.
Thanh tra đã kiến nghị, đối với nhà đầu tư, phải thực hiện giảm trừ thanh toán của các nhà thầu xây lắp hơn 18,5 tỉ đồng. Còn với Bộ GTVT, kết luận thanh tra nhấn mạnh đến việc rà soát, tính toán lại các chi phí nhằm điều chỉnh giá trị tổng mức đầu tư và phương án tài chính để tính toán thời gian thu phí hoàn vốn tại trạm Cam Thịnh cho hợp lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.