Về vụ làm kè chắn sóng ở biển Đông Hải (khu vực biển Dốc Lết tại P.Ninh Hải, TX.Ninh Hòa, Khánh Hòa) có nguy cơ gây biến dạng bãi biển, các nhà khoa học lên tiếng phản đối vì không cần thiết, đi ngược xu thế bảo vệ bờ biển hiện nay của thế giới.
Dự án xây kè chắn sóng tại khu vực bãi biển Dốc Lết gặp nhiều phản đối từ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về biển |
Hiền Lương |
Cần xem lại các văn bản pháp luật liên quan
Ngày 4.4.2020, Sở TN-MT Khánh Hòa nhận được công văn của UBND TX.Ninh Hòa về việc lấy ý kiến về báo cáo đánh giá sơ bộ tác động môi trường (TĐMT) của dự án kè bờ biển P.Ninh Hải. Sau khi kiểm tra hồ sơ, Sở TN-MT có ý kiến góp ý như sau: Chủ dự án đã nhận dạng và dự báo các TĐMT chính có thể xảy ra đối với dự án; phân tích, đánh giá, lựa chọn phương án tối ưu về phương án quản lý chất thải, địa điểm thực hiện dự án nhằm đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và các giải pháp bảo vệ môi trường chính; chủ dự án cần bám sát theo quy định của Chính phủ để thực hiện báo cáo đánh giá sơ bộ TĐMT của dự án. Các nội dung cần bổ sung của dự án như sau: Đánh giá sự phù hợp của địa điểm thực hiện dự án với chiến lược bảo vệ môi trường, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan...
Ngoài ra, Sở TN-MT Khánh Hòa cho biết khu vực thực hiện dự án không thuộc khu vực có độ nhạy cảm cao về môi trường. Theo Sở TN-MT Khánh Hòa, dự án được miễn thực hiện báo cáo đánh giá TĐMT, kế hoạch bảo vệ môi trường. Trong quá trình thực hiện dự án, đề nghị chủ dự án thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường và quản lý, xử lý chất thải theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, chiều 12.11, trao đổi với Thanh Niên, PGS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, cho rằng theo quy định mới hiện nay thì có thể không cần báo cáo đánh giá TĐMT, nhưng cần xem lại các văn bản quy định của pháp luật liên quan. “Theo tôi, việc đụng đến bãi biển như khu vực biển Dốc Lết là rất cần có báo cáo đánh giá TĐMT vì nó có tác động rất lớn đến hệ sinh thái và xu thế bảo vệ bãi biển hiện nay của VN và thế giới. Bởi khi có đánh giá TĐMT, nhiều yếu tố ảnh hưởng xấu đến bãi biển sẽ được mổ xẻ, phân tích và cân nhắc trong quá trình phê duyệt đánh giá TĐMT, làm dự án”, PGS-TS Vũ Thanh Ca nhấn mạnh.
Có nên “đánh lận” tên bãi biển ?
Dự án kè bờ biển P.Ninh Hải có tổng mức đầu tư hơn 88 tỉ đồng do UBND TX.Ninh Hòa làm chủ đầu tư; thời gian thực hiện từ năm 2020 - 2022 với các hạng mục chính: đê và kè bảo vệ dài 727 m, lan can kè, 8 bậc cấp ngoài kè, 8 cống thoát nước qua kè, đường quản lý kết hợp đường dân sinh dài 704 m, mặt đường rộng 3,5 m, vỉa hè trong 1 m, vỉa hè ngoài 2 m, lát gạch, rãnh tiêu dọc sau kè.
Nhưng sau khi kè này được xây dựng đã gặp nhiều ý kiến trái chiều, nhất là tính hợp lý của dự án này và việc làm dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến bãi biển Dốc Lết, một trong những bãi biển đẹp nhất nước hiện nay. Ông Nguyễn Vĩnh Thạnh, Chủ tịch UBND TX.Ninh Hòa, khẳng định thông tin về việc xây kè bờ biển trên vùng biển này thuộc khu vực biển Đông Hải, chứ không phải trên biển Dốc Lết, mặc dù biển Dốc Lết cũng thuộc P.Ninh Hải và cùng nằm trong cùng dải biển. Vị trí xây kè cách bãi biển Dốc Lết 2 km. Dự án nhằm bảo vệ an toàn cho khu dân cư với 535 hộ dân, 2.017 nhân khẩu ở các tổ dân phố 1, 2 Đông Hải; bảo vệ các công trình đồn biên phòng, lăng miếu Đông Hải và 11,5 ha đất bên trong.
Tương tự, ông Trần Hải, Chủ tịch UBND P.Ninh Hải, cho hay xây dựng kè là nhu cầu bức thiết nên người dân đồng thuận rất cao. Cũng theo ông Hải, không thể gộp bãi biển Đông Hải vào bãi biển Dốc Lết nổi tiếng được, vì 2 bãi biển này cách nhau một bãi biển trống. Tuy nhiên, giải thích này vấp phải nhiều phản đối từ các nhà khoa học về biển.
Bê tông hóa bãi biển là một sai lầm
Trao đổi với Thanh Niên về việc chính quyền địa phương cho rằng việc xây kè không phải ở bãi biển Dốc Lết và nó không ảnh hưởng gì khu vực biển tại đây, GS-TSKH Nguyễn Kim Đan, Giám đốc điều hành GIS HED2 (nhóm nghiên cứu thủy lực cho môi trường và phát triển bền vững, quy tụ tất cả các viện nghiên cứu quốc gia, trung tâm khoa học Pháp và các trường ĐH có nghiên cứu thủy lực ở Pháp), nhìn nhận: “Dải bờ biển là một tổng thể trọn vẹn, cho nên nếu xây kè chỗ này thì nó phá chỗ kia, đó là lẽ tự nhiên. Theo tôi được biết thì ở đó (tức khu vực biển Dốc Lết - PV) không thể xói được, sóng rất êm và bãi biển rất thoải, rất kín nên tôi không hiểu được vì sao lại xây kè”.
Còn theo PGS-TS Vũ Thanh Ca, trong thực tế bãi xây kè này là một phần của bãi Dốc Lết, là một bãi biển rất dài nằm giữa 2 mỏm đá. Tuy vậy, cái tên gọi không quan trọng. Quan trọng là ta ứng xử như thế nào với bãi cát biển, một nguồn tài nguyên quý giá. Theo ông Ca, loại kè đang xây ở khu vực biển Dốc Lết là kè gần như thẳng đứng, rất không may là phản xạ một phần sóng, do vậy làm tăng xói lở, và tăng tốc độ mất bãi. “Kè biển sẽ giữ nguyên được vị trí đường bờ nhưng không ngăn được quá trình xói lở đang diễn ra trên mặt cắt bờ biển. Ngược lại, nó làm gia tăng xói lở”, PGS-TS Vũ Thanh Ca chia sẻ.
Bình luận (0)