Dự án cáp ngầm Thái Bình Dương bị đình chỉ vì lo ngại Trung Quốc

20/06/2021 23:31 GMT+7

Cơ quan chủ thầu đã từ chối trao gói thấu lắp đặt hệ thống cáp ngầm tại Thái Bình Dương sau những lo ngại về an ninh với sự tham gia đấu thầu của công ty Trung Quốc .

Công ty mạng cáp quang biển Huawei Marine (Trung Quốc) là một trong 3 công ty tham gia đấu thầu Dự án Kết nối Kiribati. Nhằm cải thiện liên lạc cho 3 quốc đảo nhỏ là Kiribati, Liên bang Micronesia và Nauru, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đang tài trợ cho Dự án Kết nối Kiribati để phát triển tuyến cáp ngầm Đông Micronesia trị giá 72,6 triệu USD.

Lo ngại an ninh

Huawei Marine, hiện đổi tên thành HMN Technologies, từng là công ty con của tập đoàn Huawei nhưng phần lớn cổ phần thuộc sở hữu của công ty sản xuất cáp quang Hengtong. HMN Technologies được cho là có nhiều cơ hội trúng thầm nhờ đã bỏ thầu với giá thấp hơn 20% so với các đối thủ Alcatel Submarine Networks (ASN) của Phần Lan và NEC của Nhật Bản.
Hai nguồn tin có hiểu biết trực tiếp về cuộc đấu thầu nói với Reuters ngày 18.6 rằng dự án đã đi vào bế tắc do những lo ngại về an ninh tại các đảo quốc đối với gói thầu của HMN Technologies. Dự án ban đầu có kế hoạch kết nối tuyến cáp ngầm này với một tuyến cáp dẫn đến đảo Guam, nơi đặt những hệ thống quân sự quan trọng của Mỹ, và điều này đã làm tăng thêm những lo ngại về an ninh.
Nguồn tin cho biết HMN Technologies đang ở thế "cửa trên" có thể trúng thầu, khiến những bên cảnh giác với sự tham gia của công ty Trung Quốc phải tìm ra giải pháp thích hợp để kết thúc đấu thầu.
Theo các nguồn tin, do không có lý do nào phù hợp để loại bỏ HMN Technologies nên chủ thầu đã quyết định loại luôn cả 3 và đang tìm phương án khác.
WB cho biết trong một tuyên bố với Reuters rằng họ đang làm việc với các chính phủ để đưa ra các phương hướng tiếp theo. "Quá trình đàm phán đã kết thúc mà không có kết quả do không đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ mời thầu", theo WB.
Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng tất cả các bên nên cung cấp một môi trường kinh doanh không phân biệt đối xử, trong đó các công ty từ tất cả các quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, đều có thể tham gia.

Cảnh báo an ninh

Hồi tháng 7.2020, Bộ Ngoại giao Mỹ gửi công hàm đến 3 nước Thái Bình Dương để bày tỏ “lo ngại chiến lược” và cảnh báo không nên trao gói thầu cho công ty có liên quan đến chính quyền Trung Quốc vì nguy cơ bị rò rỉ dữ liệu. Trước đó, chính quyền Nauru cũng cảnh báo Micronesia cùng các cơ quan phát triển về sự tham gia của Huawei Marine trong dự án.

Mỹ cảnh báo gì về gói thầu giá thấp lắp đặt cáp ngầm của Huawei?

Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khi đó cho biết Washington lo ngại sâu sắc về nguy cơ an ninh quốc gia, an ninh kinh tế từ Huawei và các công ty con hiện nay và trước đây của tập đoàn này, trong đó có Huawei Marine. 
Sự tham gia của Huawei Marine không khỏi khiến giới chức Mỹ lo ngại bởi công ty này đang nằm trong danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ, bị hạn chế mua hàng hóa và công nghệ Mỹ.
Về phần Huawei, tập đoàn công nghệ - viễn thông này vài năm qua hứng chịu hàng loạt lệnh cấm vận của Mỹ với cáo buộc thiết lập các “cửa hậu” trên thiết bị để đánh cắp thông tin và cung cấp cho chính phủ Trung Quốc dù hãng này một mực phủ nhận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.