Cát đắp gia tải lẫn... vỏ sò của ai?
Những ngày qua, trên đường tỉnh 870 (đoạn qua xã Phước Thạnh, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang), PV Báo Thanh Niên ghi nhận có nhân công và máy móc được điều động đến để bốc dỡ một lượng cát gia tải ra khỏi công trường. Đây là công trường thi công của gói thầu số 1, thuộc dự án xây dựng cầu Rạch Miễu 2 (được chia ra thành 6 gói thầu - PV). Sự việc càng gây chú ý khi suốt mấy tuần qua, tình trạng khan hiếm cát ảnh hưởng đến hầu hết các công trình đang thi công ở miền Tây.
Đại diện chủ gói thầu là Tổng công ty Xây dựng số 1 (trụ sở tại TP.HCM) giải thích, lượng cát sử dụng đắp gia tải bị bốc dỡ là của Công ty CP Đầu tư - xây lắp Phú An Khang (trụ sở tại TP.Cần Thơ) cung cấp chưa đảm bảo đồng đều, ổn định về chất lượng. Cát lẫn tạp chất, thậm chí là vỏ sò nên bị buộc bốc khỏi công trường nhằm đảm bảo chất lượng cho dự án.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Đáp, Tổng giám đốc Công ty Phú An Khang phủ nhận thông tin trên và khẳng định phía công ty đã ngưng cung cấp cát cho gói thầu số 1 gần một tháng qua. Theo vị này, ngoài Công ty Phú An Khang còn có Công ty TNHH Kim Hưng Phát (trụ sở tại tỉnh Tiền Giang) cũng cung cấp cát cho gói thầu số 1 kể trên. "Yêu cầu của gói thầu số 1 cát lấp phải có nguồn từ các mỏ ở tỉnh Đồng Tháp, An Giang nhưng gần đây, tôi không mua được cát từ 2 tỉnh này nên đã thông báo với chủ thầu là ngưng cung cấp cát do đứt nguồn cung", ông Đáp nói.
Ông Đáp nhấn mạnh, nguồn cát của Công ty Phú An Khang được mua từ tỉnh Đồng Tháp trước đó cho nên sẽ không có chuyện cát lẫn vỏ sò.
Về nguồn cát, đại diện Tổng công ty Xây dựng số 1 thừa nhận, chủ thầu đang mua nguồn cát từ Công ty TNHH Kim Hưng Phát từ ngày 8/8/2023. Tuy nhiên, đại diện Tổng công ty Xây dựng số 1 vẫn khẳng định, lượng cát đang di chuyển khỏi công trường là cát của Công ty Phú An Khang. Lý do là cát của Công ty Phú An Khang chưa đảm bảo đồng đều, ổn định về chất lượng và thời điểm tập kết cát gia tải này Công ty Phú An Khang là đang cấp cát tại công trình.
Đại diện Ban Quản lý Dự án Rạch Miễu 2 cho biết thêm, vật liệu gia tải có thể sử dụng nhiều loại vật liệu khác nhau (đất hoặc đá, …) theo chỉ dẫn kỹ thuật của dự án. Tuy nhiên, đối với trường hợp này (có lẫn vỏ sò), nhà thầu chưa có biện pháp ngăn cách với cát đắp nền đường, và lo ngại lẫn với vật liệu đắp nền đồng thời tránh dư luận hiểu nhầm nên Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận đã chỉ đạo tư vấn giám sát lập biên bản đồng thời loại số cát này ra khỏi công trường.
Trước đó, Tư vấn giám sát của gói thầu số 1 chỉ mới chấp thuận cho chủ thầu thí điểm sử dụng làm vật liệu đắp gia tải, sau thời gian gia tải khoảng 6 tháng sẽ di dời toàn bộ cát gia tải này ra khỏi phạm vi công trường. Trường hợp nguồn cát tiếp tục khan hiếm như hiện nay, Nhà thầu sẽ cùng tư vấn và Chủ đầu tư sẽ phải bàn tới giải pháp sử dụng vật liệu khác để gia tải như đất, đá cấp phối, ….để đảm bảo tiến độ dự án. Trước khi thực hiện Nhà thầu sẽ tính toán quy đổi tải trọng các loại vật liệu trên để đảm bảo đủ tải trọng gia tải theo thiết kế trình đơn vị tư vấn xem xét phê duyệt.
Nhiều khó khăn chồng chất
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, đại diện Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Ban Mỹ Thuận, thuộc Bộ GTVT), chủ đầu tư dự án xây dựng cầu Rạch Miễu 2 cho biết, hiện toàn dự án còn thiếu hơn 400.000m3 cát san lấp trong khi chưa có nguồn cung cấp ổn định.
Đại diện chủ thầu dự án cầu Rạch Miễu 2, thông tin, ngoài khó khăn thiếu cát san lấp, dự án còn đang gặp khó về giải phóng mặt bằng. Cả hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đều giao mặt bằng không liên tục dẫn tới việc triển khai thi công không đồng bộ. Nguyên nhân, do kinh phí đền bù đội lên nhiều so với kinh phí được duyệt theo quyết định đầu tư ban đầu. Để tháo gỡ khó khăn này, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư nhằm xử lý dứt điểm tồn tại trong khâu giải phóng mặt bằng cho dự án.
Phía Ban Mỹ Thuận cũng đã có kiến nghị UBND tỉnh Bến Tre và UBND tỉnh Tiền Giang xem xét thúc đẩy việc cấp phép các mỏ cát trên địa bàn đang trong quá trình thực hiện các thủ tục khai thác để cung cấp nguồn cát ổn định cho dự án. Đồng thời kiến nghị Bộ GTVT xem xét có ý kiến với các địa phương An Giang, Đồng Tháp… hỗ trợ nguồn cát sông cho dự án xây dựng cầu Rạch Miễu 2.
Dự án cầu Rạch Miễu 2 nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre có tổng mức đầu tư được phê duyệt hơn 5.175 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Dự án do Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Dự án có điểm đầu tại Ngã tư Đồng Tâm - nút giao giữa QL1 với đường tỉnh 870 thuộc địa phận H.Châu Thành, Tiền Giang; điểm cuối tại khoảng Km16+660 QL.60, cách mố phía bắc cầu Hàm Luông khoảng 0,71 km (thuộc địa phận TP.Bến Tre, Bến Tre).
Ngày 31.12.2021, hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang nhận bàn giao cọc triển khai giải phóng mặt bằng. Hiện phía Bến Tre bàn giao được 9,3 km/9,65 km (đạt khoảng 95%); phía Tiền Giang mới bàn giao được 3,95 km/7,9 5km (khoảng 49%). Dự án được khởi công trong tháng 3.2022 và dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2026. Đến nay, 6/6 gói thầu đã triển khai thi công, tổng giá trị sản lượng của các hợp đồng đang thi công đạt khoảng 28%.
Bình luận (0)