Dự án công đội vốn ai chịu trách nhiệm?

30/07/2016 08:02 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc về bài viết Dự án công đội vốn khủng trên Thanh Niên ngày 29.7.

Quá lãng phí
Nghe những con số trăm tỉ, nghìn tỉ đồng vốn bị đội lên ở những dự án công mà không khỏi ngỡ ngàng, xót xa.
Như thống kê, hầu hết các dự án công đều có chung mẫu số là chậm tiến độ, không sát thực tế, đội vốn… Nhưng rồi cuối cùng thì dự án cũng hoàn thành và nhà nước vẫn phải chi số vốn bị đội lên. Như vậy, liệu nhà nước ta có quá dễ dãi trong việc chi ngân sách hay do quản lý yếu kém nên đành chấp nhận? Thử hỏi, số vốn bị đội lên đó ai chịu, ai phải trả?
Đào Hoàng Thanh Minh (P.Phú Thuận, Q.7, TP.HCM)
Cái gì cũng ôm
Theo những chuyên gia phân tích, lý do vốn ở các dự án công bị đội lên cao vì các bộ ngành là đại diện chủ đầu tư thường muốn "ôm" luôn cả vai trò quản lý dự án, hoặc dành các khâu quản lý, tư vấn thiết kế cho các công ty "trong nhà" hay công ty sân sau.
Trong khi đó, việc thuê tư vấn, quản lý dự án chuyên nghiệp là thông lệ thế giới, không ai "ôm" luôn các công đoạn này như các chủ đầu tư trong nước. Đã biết như vậy, thấy như vậy tại sao nhà nước không có hướng điều chỉnh để thay đổi thói quen này của các bộ ngành, học theo thế giới mà làm để tránh thất thoát ngân sách?
Vũ Thị Thu Hoài (TP.Vinh, Nghệ An)
Tiền “chùa”
Vì sao các công trình tư nhân rất ít khi có chuyện đội vốn khủng như đầu tư công? Đơn giản vì tiền túi của họ bỏ ra nên họ có trách nhiệm với từng đồng. Làm gì, mua gì, thuê ai làm, hiệu quả hay không... họ đều tính toán rất kỹ lưỡng. Một đồng bỏ ra phải có giá trị và thu về kết quả nhất định. Trong khi đó đầu tư công như phân tích của TS Phạm Sĩ Liên thì ai tham gia vào dự án công đều có tâm lý tiền làm dự án là... tiền chùa, cộng với việc không nghiêm trong xử lý trách nhiệm cá nhân nên mỗi khâu rơi rụng hoặc bị xà xẻo một ít, làm tăng chi phí lên gấp bội là điều tất yếu.
Điểu Sỹ (H.Chơn Thành, Bình Phước)
Lỗi tại... nhà thầu
Nhiều nguyên nhân khiến dự án công đội vốn khủng, tuy nhiên một nguyên nhân quan trọng và xảy ra thường xuyên bắt nguồn từ nhà thầu Trung Quốc. Từ lâu, VN có chính sách chạy theo chọn thầu giá rẻ nên có tình trạng các nhà thầu bỏ giá thấp để trúng, nhưng sau đó tìm mọi cách điều chỉnh, xin tăng vốn, thậm chí “ép” lại chủ đầu tư. Điển hình là các dự án do tổng thầu Trung Quốc đảm nhận.
Huỳnh Minh Mẫn (TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau)
Ai chịu trách nhiệm ?
Một dự án công bị đội vốn vì nguyên nhân này kia thì còn chấp nhận được, còn ở đây, đa số dự án công đều đội giá là điều rất bất thường. Điều này cho thấy việc quản lý chi phí xây dựng đầu tư công đang có vấn đề. Do đó, cần phải làm rõ nguyên nhân, từ đó xem xét trách nhiệm của từng cá nhân, bộ ngành chứ không thể nói chung chung, qua loa. Nếu không ai chịu trách nhiệm, tình trạng đội vốn sẽ còn kéo dài và đây sẽ là gánh nặng cho đất nước, cho nhân dân.
Nguyễn Thành Nam (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng)
Ban CTBĐ
(tổng hợp)
       
Phải sớm hoàn thiện quy định pháp luật theo thông lệ quốc tế trong xây dựng. Buộc chủ các dự án công phải thuê đơn vị tư vấn, quản lý dự án chuyên nghiệp, độc lập. Họ sẽ chịu trách nhiệm nếu dự án đội vốn hoặc có các sự cố khác. Bên cạnh đó, quy định pháp luật cũng cần phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân liên quan nếu các dự án vượt dự toán.
Nguyễn Đăng Khoa (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng)
       
Tôi rất tâm đắc với ý kiến cho rằng dự án công là... chùm khế ngọt. Đó là lý do thủ trưởng các cơ quan nào cũng muốn xây dựng công trình này, công trình kia. Chưa thấy thủ trưởng cơ quan, đơn vị nào bị xử lý kỷ luật khi công trình bị đội vốn cả nên ai cũng muốn làm công trình là điều tất yếu. Với cái đà này, trong tương lai, con cháu chúng ta sẽ phải oằn mình trả nợ.
Nguyễn Hải Châu (Q.7, TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.