Thiếu người hay chưa "đủ trình"?
Trước đó, như Thanh Niên đã phản ánh, một loạt các dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)… không thể tiếp tục triển khai do vướng mắc việc phê duyệt chủ trương, thiếu vốn.
Một lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, các dự án của Bộ sau khi chuyển sang Uỷ ban Quản lý vốn (UBQLV) bị ngưng trệ do không xác định được đơn vị nào đóng vai trò cơ quan chủ quản khi thực hiện phê duyệt điều chỉnh dự án, gia hạn hiệp định vay vốn...
“Tháng 8.2019, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Thủ tướng nêu tình trạng khó khăn của VEC và cũng kiến nghị trước mắt giao lại các dự án cao tốc của VEC về cho bộ chủ quản để sớm phê duyệt điều chỉnh dự án, thủ tục gia hạn hiệp định vay vốn...”, lãnh đạo Bộ GTVT nói.
Mặt khác, vẫn theo vị này, còn một nguyên nhân khác, là do UBQLV chưa đủ bộ máy nhân sự phê duyệt, thẩm định các dự án của VEC. Hiện, các cơ quan của Bộ GTVT đang đánh giá lại khả năng, lộ trình điều chuyển lại các dự án của VEC về Bộ này, lấy ý kiến các bộ liên quan để tiếp tục báo cáo Chính phủ.
Về việc có chuyển VNR về lại Bộ GTVT hay không, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, đây mới là đề xuất của doanh nghiệp, các bộ liên quan cũng đang đánh giá để báo cáo Thủ tướng. Tuy nhiên, để giải quyết khó khăn cho đường sắt, Bộ đang kiến nghị Chính phủ trong thời gian quá độ trước mắt, tiếp tục giao dự toán ngân sách cho bảo trì, duy tu hạ tầng đường sắt để đảm bảo an toàn chạy tàu trong năm 2020.
“Một phần do chuyển động trong bộ máy của đường sắt chậm nên gặp vướng về cơ chế, nhiều lĩnh vực công ích khác cũng đã thực hiện đấu thầu từ lâu như đảm bảo hàng hải. Về lâu dài, dù ở lại UBQLV hay về lại Bộ GTVT, đường sắt vẫn phải theo cơ chế chung, đấu thầu chứ không giao vốn nữa”, lãnh đạo Bộ GTVT nói thêm.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó chủ tịch UBQLV, lại cho rằng, trong 19 tập đoàn, tổng công ty chuyển về, còn nhiều nhiệm vụ tồn đọng. Thậm chí, có dự án lớn, triển khai dở dang 10 năm, 20 năm và nảy sinh nhiều vấn đề. Cơ quan này nhận thấy còn nhiều dự án hồ sơ chưa đầy đủ.
Bà Hà nhấn mạnh với mỗi dự án, cơ quan này yêu cầu triển khai theo đúng trình tự thủ tục, phê duyệt dự án phải tuân theo pháp luật chung và pháp luật chuyên ngành. Có những nhiệm vụ liên quan đến phê duyệt dự án, có thẩm quyền quyết định là của Thủ tướng, có thẩm quyền của địa phương, hoặc thẩm quyền của cơ quan chủ sở hữu.
“Chúng tôi chiếu theo quy định thì một số dự án không phù hợp, không hiệu quả, phải yêu cầu làm rõ. Trong năm 2019, nhiều doanh nghiệp chưa quen cách triển khai của Ủy ban, nhưng chúng tôi yêu cầu phải bảo toàn vốn, không được thua lỗ, phải có hiệu quả. Khi không hiệu quả, chúng tôi yêu cầu phải báo cáo, đến khi nào có phương án thì mới đưa ra các cấp có thẩm quyền”, bà Hà chia sẻ.
|
"Đùn đẩy cho nhau càng thêm rối"
Chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, các bộ và Ủy ban cần dừng ngay việc đùn đẩy trách nhiệm và ngồi lại với nhau gỡ từng dự án. Ông Hiếu bày tỏ quá thất vọng khi trước kia, Ủy ban được thành lập với rất nhiều kỳ vọng: tách bạch quyền quản lý và kinh doanh trong doanh nghiệp, đơn giản thủ tục… Song đến nay, hoạt động không khác gì một bộ, thậm chí còn rối hơn.
“Dự án đang chạy, đẻ ra Ủy ban lại bị tắc. Cứ đá bóng cho nhau, ai cũng nói do không rõ thẩm quyền. Vì sao ngay lúc tắc không lập tức ngồi lại với nhau để báo cáo lên Chính phủ tháo gỡ?Luật không sửa kịp thì Chính phủ hoàn toàn có thể ban hành nghị quyết riêng”, TS Hiếu bức xúc.
Còn nút thắt chủ thể nào (Thủ tướng, UBQLV, bộ ngành) đứng ra phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án của 19 tập đoàn, tổng công ty, theo một lãnh đạo Bộ KH-ĐT, cần phải được quy định rõ thông qua việc sửa lại các luật liên quan, đặc biệt là luật Đầu tư.
Nhưng trước khi chờ sửa luật, Bộ KH-ĐT trình Thủ tướng ban hành nghị quyết riêng. Theo đó, đối với giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng, trước khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi, doanh nghiệp (DN) phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre F/S). Sau khi Pre F/S được phê duyệt, DN nộp hồ sơ dự án đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư theo quy định để tổ chức thẩm định, trình cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.
Vẫn theo lãnh đạo Bộ KH-ĐT, đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh, thực hiện trên địa bàn nhiều địa phương, như các dự án truyền tải điện, đường cao tốc, đường sắt liên vùng,… cơ quan đăng ký đầu tư nơi nhà đầu tư đặt trụ sở chính, hoặc dự kiến đặt trụ sở chính, hoặc văn phòng điều hành, chủ trì tổ chức thẩm định, trình UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư.
Đối với dự án sản xuất, truyền tải, phân phối điện có tính chất chuyên ngành, phức tạp thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh, nhưng Ủy ban không đủ năng lực thẩm định quyết định chủ trương đầu tư, thì báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Để gỡ rối, PGS-TS Ngô Trí Long cho biết, hàng loạt dự án các “ông lớn” bị ách tắc do trước khi lập uỷ ban thiếu đi sự chủ động, tính toán căn cơ. Xây dựng cơ chế, sửa luật, thẩm quyền, trách nhiệm… không được quy định cụ thể, tách bạch rõ ràng. Khi lập rồi thì loay hoay không biết để cho nó hoạt động theo mô hình nào, thị trường hay vừa thị trường vừa quản lý.
“Đây là bài học mà chúng ta phải rút kinh nghiệm. Phải lường trước được các tình huống xảy ra, và phải quyết đoán, dứt khoát không nhập nhằng. Cơ chế gì thì cũng do con người, lập ra thì phải quyết đoán dứt khoát mô hình hoạt động, đùn đẩy cho nhau càng thêm rối”, ông Long nói.
Khẩn trương “bơm” vốn cho đường sắt
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ để gỡ vấn đề kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan trình Chính phủ xử lý.
Phương án 1: báo cáo Ủy ban Thường vụ quốc hội giải thích quy định tại Nghị quyết số 87/2019/QH14 ngày 14.11.2019 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 theo hướng: đề nghị cho phép tiếp tục áp dụng cơ chế giao dự toán kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 cho VNR thông qua dự toán ngân sách nhà nước của Bộ GTVT như đã thực hiện năm 2019.
Phương án 2: triển khai thực hiện cơ chế đặt hàng VNR thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy định của pháp luật.
|
Bình luận (0)