Cùng chung 'chiến tuyến'
Không khí vô cùng căng thẳng khi người dân chất vấn Thị trưởng thành phố Amsterdam Femke Halsema về kế hoạch gây tranh cãi nhằm chuyển quận đèn đỏ "Wallen" ra vùng ngoại ô.
Hàng trăm người dân địa phương không muốn "một khu nhà thổ khổng lồ" mọc lên sát nhà. Trớ trêu thay, đồng minh của họ lại chính là các lao động tình dục đấu tranh để tiếp tục bám trụ phố đèn đỏ lâu nay của họ.
Người đối mặt áp lực của cả hai phía chính là Thị trưởng Halsema, người cương quyết thi hành kế hoạch tách rời Amsterdam khỏi sự liên tưởng đến phố đèn đỏ.
"Điều này là không thể được", AFP hôm 11.4 dẫn lời một bà mẹ nói trong nước mắt tại cuộc họp ở phía nam thành phố Amsterdam, gần một trong 3 địa điểm Thị trưởng Halsema đề xuất xây dựng trung tâm gồm 100 phòng làm việc cho lao động tình dục.
Trong khi đó, lao động tình dục kiên trì bày tỏ nguyện vọng muốn ở lại quận đèn đỏ "Wallen", và bày tỏ bức xúc về việc họ bị đổ lỗi cho tình trạng tội phạm, say xỉn và ma túy tại khu vực.
"Thị trưởng nói rằng nơi của chúng tôi chỉ là tụ điểm thu hút du khách và mọi người cứ đến và cười nhạo chúng tôi", một lao động tình dục tên Michelle cho biết tại cuộc họp. "Tuy nhiên, thực sự không phải thế", cô nói.
Michelle còn tranh luận rằng khu mới gồm 100 phòng thấp hơn nhiều so với 250 gian phòng hiện được phép kinh doanh ở quận đèn đỏ. "Wallen" đã trở thành khu kinh doanh tình dục từ thế kỷ 16.
Cuộc chiến rũ bỏ biệt hiệu 'thành phố tội lỗi'
Dự án di dời quận đèn đỏ là một trong những nỗ lực nhằm rũ bỏ biệt hiệu "thành phố tội lỗi" đối với Amsterdam. Phải mất vài năm trước khi bất kỳ trung tâm đèn đỏ mới được thành lập, và chính quyền Amsterdam dự kiến sẽ quyết định địa điểm mới vào cuối năm nay.
Thị trưởng Halsema nói rằng bất kỳ giải pháp nào cũng vẫn đối mặt với sự kháng cự và phản đối.
Vào tháng 3, hàng chục lao động tình dục đeo mặt nạ và mang theo biển hiệu "Hãy giải cứu phố đèn đỏ" đã tổ chức biểu tình trước tòa thị chính.
Nữ thị trưởng đầu tiên của Amsterdam muốn cải tổ phố đèn đỏ
Thị trưởng Halsema còn đối mặt cáo buộc gây thiệt hại cho Hà Lan với hành động gây tổn hại công việc kinh doanh đến từ việc di dời quận đèn đỏ.
Vụ việc thậm chí còn có sự can dự của Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA). Đây là phía kịch liệt phản đối dự án di dời vì 2 trong số 3 địa điểm được đề xuất gần trụ sở của EMA tại phía nam Amsterdam. EMA đã dời trụ sở đến đây sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).
Bình luận (0)