Một tháng đọc ít nhất 20 đầu sách
Gần đây, xu hướng review sách (đánh giá sách) mạng xã hội rất thịnh hành. Thay vì lật sách và nói một cách khô khan, nhóm Dự án "Đang đọc gì đấy?" tìm những người trẻ có chất giọng truyền cảm (host) kết hợp cùng kỹ xảo điện ảnh để chuyển đổi số văn hóa đọc.
Chia sẻ về ý tưởng dự án, Lê Thùy Dương (25 tuổi), trưởng nhóm, cho biết: "Việc đọc sách đang dần bị thay thế bằng hình thức lướt mạng xã hội, video ngắn khiến nhiều người trẻ ngại đọc sách. Còn người yêu sách không tìm được nơi giá đáng tin cậy về sách để mua. Cho nên, nhóm quyết định sáng tạo nội dung số về sách để đưa văn hóa đọc gần hơn đến đối tượng trẻ".
Nhóm sẽ đọc sách để khai thác điểm nhấn hấp dẫn nhất, sau đó viết kịch bản rồi cho truyền cảm chia sẻ trong phòng thu chuyên nghiệp với các clip tiểu phẩm, tình huống khoảng 1-3 phút. Bốn thành viên sẽ chia nhiệm vụ từ làm nội dung, thẩm định sách đến kỹ thuật quay dựng.
"Trung bình mỗi tháng, nhóm sẽ đọc khoảng 15-20 đầu sách và soạn kịch bản từ 1-2 tuần cho một buổi quay/tuần. Tất cả thành viên đều có niềm đam mê và kiến thức về sách nên đảm bảo thông tin chia sẻ đều được kiểm định và chất lượng nhất đến với người xem", Thùy Dương cho hay.
Khi được hỏi: "Hình thức này có gì để thu hút người trẻ?", Thùy Dương trả lời: "Để nghe hết một chương sách nói hay xem một loạt đánh giá khô cứng và quyết định độ hay của sách rất mất thời gian".
"Nhóm sẽ tập trung khai thác điểm mới của các tác phẩm, tác giả có trong chương trình học của nhà trường để các bạn trẻ vừa chơi mạng xã hội vừa học văn, đọc sách khi biết thêm về chuyện tình kỳ lạ của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh hay sự khó tính của nhà văn Nguyễn Tuân. Sau đó mở rộng vào những quyển sách hiện tại thịnh hành, hợp với thị hiếu người trẻ", Thùy Dương chia sẻ.
Để loại hình giải trí đọc sách gần gũi hơn với người trẻ
Là gương mặt đại diện cho nhóm và có giọng đọc gần gũi với người xem, Nguyễn Quốc Gia Bảo, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, bày tỏ: "Tình cờ mình thấy nhóm đang tìm người có chất giọng và đam mê đọc sách để cùng chia sẻ văn hóa đọc qua nền tảng số nên mình quyết định tham gia. Mình thấy nhiều người trẻ hiện nay sử dụng mạng xã hội như: TikTok, YouTube… như kênh giải trí đơn thuần thay thế cho sách nên cũng mong muốn lan tỏa đam mê đọc sách và nội dung tích cực đến các bạn. Đồng thời, để loại hình giải trí truyền thống là sách sẽ phát triển, có cơ hội gần gũi với người trẻ hơn".
Dù chỉ mới ra mắt trong 3 tháng, dự án "Đang đọc gì đấy?" đã thu hút nhiều sự quan tâm của người xem, với gần 5 triệu lượt thích trên TikTok. "Mọi người phản hồi rất tích cực về nội dung nhóm thực hiện, trong lần chia sẻ một quyển sách về bệnh tâm lý có người xem đã gửi tin nhắn cảm ơn vì thông tin nhóm chia sẻ giúp bạn ấy được đồng cảm và giải tỏa được tâm lý. Từ đó, nhóm có thêm động lực cho dự án", Thùy Dương cho biết.
Nhận xét về dự án của nhóm, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch HĐQT Saigon Books, bày tỏ chuyển đổi số trong văn hóa đọc là xu hướng có tác động rất tốt đến việc tìm hiểu và đọc sách. Theo ông Quỳnh, nhà sách từng có một quyển sách bán theo cách thông thường được khoảng 30.000 bản trong 4 năm nhưng khi có clip được chia sẻ rầm rộ trên mạng ngay lập tức bán được 50.000 bản/tháng.
"Tôi đánh giá rất cao năng lực hiểu về sách cũng như cách thức các bạn đặt vấn đề về nội dung, lấy những thông tin tinh túy của sách để truyền tải. Các bạn trẻ hiện nay đang sử dụng khá nhiều thiết bị công nghệ để nắm bắt thông tin, nhờ dự án này góp phần đưa sách đến tệp bạn đọc mà so với nhiều hình thức quảng bá sách truyền thống khác lại không mang lại hiệu quả bằng", ông Quỳnh chia sẻ.
Chia sẻ về giá trị mang lại của dự án, Thùy Dương bày tỏ: "Nhóm không thể nào đọc hết toàn bộ sách trên thị trường, vì là một "biển kiến thức". Do đó, dự án hy vọng sẽ thực hiện một phần nghĩa vụ mang văn hóa đọc đến mọi người theo cách chất lượng nhất để mọi người thấy quyển sách này hay và đọc thử, chứ không phải đọc hết 10 cuốn sẽ nói mọi người mua hết hết để phơi bày kiến thức hay định hướng người xem".
Bình luận (0)