Với dự án khởi nghiệp kết hợp giữa chơi và học, Trần Lê Khang (22 tuổi), sinh viên ngành ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Mở TP.HCM, mong muốn giúp người trẻ học tiếng Anh một cách thoải mái và dễ dàng hơn.
Học tiếng Anh qua những... thẻ bài
Khang bắt đầu làm gia sư dạy kèm tiếng Anh từ năm lớp 11 và làm trợ giảng cho một trường quốc tế tại Q.Phú Nhuận khi còn là sinh viên năm nhất. Suốt khoảng thời gian này, Khang nhận ra người học đa phần không thích phần ngữ pháp tiếng Anh.
“Trong quá trình dạy học, mình nhận thấy các bạn rất chật vật với phần ngữ pháp tiếng Anh, dần sinh ra tâm lý không đáng có rồi ghét môn học này. Và không phải ai cũng có điều kiện để học các chứng chỉ quốc tế nên vô hình trung đã biến điều này thành nỗi sợ của rất nhiều bạn trẻ”, Khang cho biết.
Đầu năm 2021, Khang quyết định khởi nghiệp dự án "GRAM-Z" bằng cách kết hợp việc học ngữ pháp tiếng Anh thông qua trò chơi cờ bàn (board game) để giúp người học hình dung cách xây dựng ngữ pháp thông qua các thẻ trò chơi.
“Phương pháp học qua trò chơi đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới và có nhiều board game về giáo dục xuất hiện nhưng vẫn chưa có bộ nào tại Việt Nam nên mình mong muốn tạo ra 1 board game về ngữ pháp tiếng Anh nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên”, anh chàng cho hay.
Để thực hiện dự án, Khang đã tìm hiểu tất cả các loại board game có trên thị trường để xây dựng luật chơi và áp dụng thêm các nguyên lý giáo dục để giúp người chơi rèn kỹ năng học tiếng Anh một cách thú vị.
“Bộ board game gồm 100 thẻ bài, người chơi sẽ lần lượt rút thẻ để đặt câu (tương ứng với mỗi danh, động, trạng và tính từ trong thẻ) và mở các thẻ chức năng để đa dạng hóa câu ngữ pháp của mình với đối thủ, ai đạt 30 điểm trước sẽ chiến thắng. Qua đó giúp các bạn vừa chơi, vừa nâng cao trình độ tiếng Anh mà không phải ngồi vào bàn học”, Khang nói.
Với dự án của mình, Khang đã đạt giải nhất trong cuộc thi “Sinh viên với ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp năm 2021” do Trường ĐH Mở TP.HCM tổ chức và lọt vào tốp 10 cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2021” của Bộ KH-CN.
"Đổi gió" cách học ngữ pháp tiếng Anh
Nói về những khó khăn trong quá trình khởi nghiệp, Khang kể: “Mình phải tìm hiểu rất nhiều bộ board game khác nhau từ trong nước đến quốc tế để xây dựng bộ thẻ bài học tiếng Anh này. Mình cũng đưa sản phẩm đến nhiều sự kiện, lắng nghe nhận xét từ người trải nghiệm để liên tục cập nhật luật chơi hoàn chỉnh cho đến hiện tại”.
Ngoài ra, do cách học ngữ pháp tiếng Anh của người Việt rất khác so với thế giới nên ở dự án của mình, Khang cùng đội ngũ khoảng 12 người đã cùng nhau thiết kế các hình ảnh gắn liền với văn hóa thuần Việt nhằm tạo ra cốt truyện gần gũi cho trò chơi.
Là người đã trải nghiệm dự án của Lê Khang, Anthony Hickey (28 tuổi), hiện là giáo viên tiếng Anh tại Q.2 (TP.HCM), cho biết: “Khi chơi board game này, tôi biết thêm nhiều về văn hóa Việt Nam. Các thẻ bài có nhiều màu sắc và cách chơi mới lạ nên rất thu hút học sinh, giúp các em tập trung hơn vào các bài học ngữ pháp”.
Bộ board game của Khang được xây dựng dựa trên trình độ A1 dành cho nhóm đối tượng đã có nền tảng tiếng Anh cơ bản. Dự án đã tiếp cận nhiều giáo viên và nhận được những phản hồi tích cực.
Đã đưa board game của Khang vào lớp học, anh Hoàng Việt Hưng (27 tuổi), hiện là giáo viên tiếng Anh tại H. Bắc Quang (Hà Giang), cho biết: “Trước giờ tôi đi dạy học rất cần 1 phương pháp mới để đa dạng hóa các hoạt động trong lớp thay vì chỉ chuyên luyện đề cho học sinh. Nên khi tiếp xúc với dự án, tôi đã dùng board game này để “đổi gió” và giúp việc học ngữ pháp thêm hiệu quả”.
Chia sẻ thêm về dự án khởi nghiệp của mình, Khang cho hay: “Hiện tại, mình và đội ngũ "GRAM-Z" đang kêu gọi gây quỹ cộng đồng để dự kiến vào giữa tháng 9 sẽ sản xuất khoảng 500 bộ board game đưa ra thị trường và sẽ cải tiến nâng mức độ của trò chơi lên nhiều trình độ khác, như: B1, C1, IELTS, TOEIC… Qua đó, mình hy vọng mọi người sẽ có cái nhìn mới về việc học qua board game và sẵn sàng trải nghiệm phương pháp học tập thú vị này”.
Bình luận (0)