Dự án hồ thủy lợi Ka Pét phải đánh giá lại tác động môi trường

30/10/2023 06:01 GMT+7

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng ngày 26.10 chủ trì cuộc họp với các sở, ngành để nghe báo cáo tiến độ dự án hồ thủy lợi Ka Pét.

Dự án hồ thủy lợi Ka Pét (xã Mỹ Thạnh, H.Hàm Thuận Nam) do Ban Quản lý dự án nông nghiệp tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư. Theo báo cáo của chủ đầu tư, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 101/2023/QH15 (ngày 24.6.2023) điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, ngày 18.8, UBND tỉnh Bình Thuận có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án. Ngày 4.10, Thủ tướng đã có công văn gửi UBND tỉnh và giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án. Ngày 9.10, UBND tỉnh Bình Thuận có công văn chính thức giao cho Ban Quản lý dự án nông nghiệp tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư dự án.

Dự án hồ thủy lợi Ka Pét phải đánh giá lại tác động môi trường  - Ảnh 1.

Mô phỏng dự án hồ thủy lợi Ka Pét

H.L

Đánh giá hiện trạng rừng và trồng rừng thay thế

Theo chủ đầu tư dự án, việc đánh giá hiện trạng rừng được hoàn thành từ năm 2020, đến tháng 4.2022 thì cập nhật số liệu do Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam bộ thực hiện.

Dự án có diện tích hơn 697 ha, trong đó có hơn 619 ha là đất có rừng và rừng đặc dụng là gần 138 ha (136,88 ha rừng tự nhiên và 1,07 ha rừng trồng); rừng phòng hộ là 0,51 ha; rừng sản xuất là 440,4 ha; đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72 ha và 78,15 ha là đất không có rừng (gồm 60,14 ha đất trống và 18,01 ha là đất sản xuất nông nghiệp của người dân).

Toàn bộ rừng trong khu vực dự án thuộc dạng rừng thứ sinh nghèo (tái sinh sau khai thác năm 2002 trở về trước). Rừng có tổng số 78 loài nhưng phần lớn là các loài cây thân gỗ thông thường, trừ 2 loài quý trong Sách đỏ VN là giáng hương (Pterocarpus macrocarpus kurz) và sơn điều (Melanorrhoea usitata wall).

Tuy nhiên, qua kết quả điều tra của 96 ô tiêu chuẩn điển hình thì 2 loài cây giáng hương và sơn điều là cây tái sinh, phân bố trên diện tích thuộc đối tượng rừng sản xuất và một phần diện tích rừng đặc dụng.

Đối với việc trồng rừng thay thế, diện tích rừng trồng thay thế là 1.844 ha, theo điều 21 luật Lâm nghiệp.

Hiện UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở NN-PTNT rà soát từng vị trí nhằm đảm bảo diện tích rừng thay thế đúng quy định. UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu phải trồng rừng bằng các loại cây bản địa như dầu, sao đen. Các đơn vị chủ rừng vẫn đang khảo sát quỹ đất theo đúng tiêu chí để đăng ký trồng rừng. Trên cơ sở đó, Sở NN-PTNT tổng hợp, trình UBND tỉnh phê duyệt, sao cho phải đảm bảo việc trồng rừng hoàn thành cùng với tiến độ dự án là cuối năm 2025.

Thay đơn vị làm bổ sung báo cáo đánh giá tác động môi trường

Dự án hồ thủy lợi Ka Pét được Quốc hội điều chỉnh vào tháng 6.2023, do vậy Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cũng phải được điều chỉnh theo quy định tại Nghị định 08/2022 (ngày 10.1.2022) của Chính phủ và Thông tư số 2 ngày 10.1.2022 của Bộ TN-MT quy định chi tiết một số điều của luật Bảo vệ môi trường; đồng thời thực hiện Nghị định số 114/2018 ngày 4.9.2018 của Chính phủ về quản lý an toàn hồ, đập chứa nước.

Do vậy, ĐTM của dự án hồ thủy lợi Ka Pét sẽ phải bổ sung 2 nội dung quan trọng là đánh giá hiện trạng đa dạng hệ sinh học và tài nguyên sinh vật, tác động của dự án đến môi trường và đề xuất các giải pháp giảm thiểu. Tiếp đó, phải xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du, trong các tình huống xả lũ khẩn cấp và vỡ đập do dự án có tác động đến rừng trong khu bảo tồn (gọi là kịch bản vỡ đập).

Trong khi đó, theo quy định thì đơn vị đang làm báo cáo ĐTM không có đủ năng lực để thực hiện 2 chức năng trên. Sở KH-ĐT Bình Thuận đã trình UBND tỉnh phương án chấm dứt hợp đồng với đơn vị làm ĐTM cũ để tìm đơn vị mới có năng lực và chức năng làm báo cáo 2 nội dung bổ sung ở ĐTM mới, rồi mới trình Bộ TN-MT phê duyệt.

Bổ sung báo cáo nghiên cứu khả thi

Ngày 30.8, Cục Quản lý xây dựng công trình (thuộc Bộ NN-PTNT) có công văn đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận bổ sung hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án hồ thủy lợi Ka Pét như cập nhật số liệu thủy văn, lựa chọn phương án tuyến, vùng tối ưu.

Dự án hồ thủy lợi Ka Pét phải đánh giá lại tác động môi trường  - Ảnh 2.

Vùng lõi dự án hồ thủy lợi Ka Pét

Q.H

Theo ông Phan Thanh Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý dự án nông nghiệp tỉnh, hiện nay chủ đầu tư đã hoàn thiện bổ sung một số văn bản pháp lý liên quan theo yêu cầu.

Riêng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, phương án trồng rừng thay thế của dự án, UBND H.Hàm Thuận Nam đang kiểm tra, rà soát lập phương án bồi thường, hỗ trợ sơ bộ để tổng hợp vào tổng mức đầu tư dự án. Ông Hoàng cũng cho biết, vốn lũy kế đã đầu tư của dự án đến nay hơn 10,2 tỉ đồng, trong đó kế hoạch bố trí vốn năm 2023 là 5 tỉ đồng. Tổng vốn giải ngân cho dự án mới chỉ đạt 5,5 tỉ đồng/10,2 tỉ đồng.

Những khó khăn khi triển khai dự án

Do Quốc hội đã ban hành nghị quyết điều chỉnh dự án, nên báo cáo ĐTM của dự án phải bổ sung 2 nội dung nêu trên. Trong khi đó, đơn vị thực hiện ĐTM không đủ năng lực, chức năng thực hiện nên phải tìm đơn vị mới thay thế. Do vậy, sự điều chỉnh này đã ảnh hưởng đến thời gian ấn định phê duyệt ĐTM của dự án.

Hiện tại, chủ đầu tư đang phối hợp các đơn vị liên quan hoàn thiện bổ sung báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Trong đó, có nhiều công việc đòi hỏi phải có thời gian như xin ý kiến Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT và các cơ quan thuộc Quốc hội. Đặc biệt, phải phối hợp với Ủy ban MTTQ VN tỉnh để tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh trước khi hoàn chỉnh hồ sơ trình thẩm định và quyết định đầu tư dự án.

"Chủ đầu tư đã kiến nghị UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng cho phép giãn thời gian trình thẩm định, quyết định đầu tư dự án để tiếp tục nghiên cứu, làm rõ và đưa ra phương án đầu tư tối ưu, giải quyết hài hòa nhất các vấn đề từ kinh tế, kỹ thuật, môi trường, xã hội… của dự án", một lãnh đạo Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết.

Tại cuộc họp diễn ra ngày 26.10, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng đã yêu cầu Ban Quản lý dự án nông nghiệp tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục của dự án hồ thủy lợi Ka Pét trên tinh thần thận trọng, chặt chẽ và đúng quy định pháp luật. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị Sở TT-TT Bình Thuận thành lập tổ công tác truyền thông để chủ động, thường xuyên cung cấp thông tin một cách đầy đủ, kịp thời và chính xác về dự án hồ thủy lợi Ka Pét. 

Dự án hồ thủy lợi Ka Pét là dự án quan trọng về thủy lợi được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26.11.2019 và điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24.6.2023.

Dung tích của hồ thủy lợi Ka Pét là hơn 51,2 triệu m3 nước thô. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 874 tỉ đồng; trong đó vốn ngân sách T.Ư hơn 519 tỉ đồng và ngân sách địa phương hơn 354 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 đến hết năm 2025.

Dự án hồ thủy lợi Ka Pét cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của H.Hàm Thuận Nam; cấp nước thô cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II 2,63 triệu m3/năm; tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực H.Hàm Thuận Nam và TP.Phan Thiết; phòng chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực H.Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.