Dự án mở rộng, cải tạo hạ tầng sân bay ì ạch

05/08/2019 07:34 GMT+7

Không chỉ dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất (TP.HCM), Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành, ACV đang đề xuất thực hiện hàng loạt dự án đầu tư mới hoặc nâng cấp, mở rộng các sân bay mới.

Trên thực tế, vướng mắc khiến T3 Tân Sơn Nhất tới thời điểm này vẫn chưa thể lựa chọn được nhà đầu tư triển khai dự án, trong khi hạ tầng quá tải cấp bách trầm trọng, do Bộ GTVT vẫn khăng khăng giao cho ACV thực hiện. Trong khi hàng loạt doanh nghiệp (DN) khác cũng đều muốn nhảy vào đầu tư “miếng bánh béo bở” này.
Sau khi Thủ tướng ra quyết định đồng ý với phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất của tư vấn Pháp ADPi, Công ty cổ phần hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines) đã nhiều lần gửi văn bản đến Bộ GTVT báo cáo dự án nhà ga hàng không lưỡng dụng T3 do đơn vị này xây dựng, nhưng bộ này cũng bỏ qua. Sau đó, tháng 2.2019, Tập đoàn FLC cũng đã gửi văn bản đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT cho phép nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà ga này và khẳng định sẽ tập trung toàn lực để đưa công trình vào khai thác sau 1 năm xây dựng nếu được chấp thuận đầu tư. Mốc thời gian kỷ lục này không thể thuyết phục được Bộ GTVT với lý do đây mới chỉ là đề xuất, trong khi phương án ACV đưa ra với thời gian thực hiện gấp 4 lần, lên tới 4 năm.
LS Trương Thanh Đức, Công ty luật BASICO, nhận định để có được công trình với tiến độ, chất lượng, chi phí tốt nhất, các dự án phải đưa ra đấu thầu, khi không có người tham gia mới tính các phương án khác. Dự án nhà ga T3 có nhiều DN tranh nhau như vậy mà nhất quyết đẩy về cho 1 DN thì rất bất thường. Với một dự án mang tính cấp bách, Chính phủ hoàn toàn có thể tạo cơ chế để giảm bớt các thủ tục, đẩy nhanh quá trình đấu thầu nhưng nhất định không nên chỉ định thầu.
Trước đó, ACV từng đề xuất thực hiện dự án mở rộng CHK Điện Biên nhưng không nhận được sự đồng thuận của tỉnh Điện Biên. Tỉnh này đề xuất phương án giao cho Công ty CP hàng không Vietjet xây dựng theo hình thức BOT CHK Điện Biên. ACV tiếp tục là người khai thác tại CHK Điện Biên và thực hiện quản lý, vận hành, khai thác sân bay này. Đối với khu vực nhà ga hành khách, sân đỗ ô tô và các công trình phụ trợ, ACV sẽ phối hợp với Vietjet khai thác nhà ga mới. Trước đó, UBND tỉnh Điện Biên từng cho rằng, việc độc quyền khai thác khiến có tuần các chuyến bay đến Điện Biên bị hủy liên tiếp 3 ngày, chưa kể giá vé tuyến bay Điện Biên - Hà Nội cao nhất khu vực.
Bản thân ACV cũng không thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Bởi dù đã cổ phần hóa, nhà nước vẫn nắm giữ 95% vốn của DN này, các quy trình, thủ tục đầu tư, triển khai các dự án vẫn kéo dài do vướng nhiều quy định, như chính lãnh đạo DN này từng phàn nàn. Mặt khác, việc ACV được giao thực hiện quá nhiều dự án đầu tư, mở rộng sân bay hoặc nâng cấp đường băng, đường lăn sân đỗ là không phù hợp khi DN này đã cổ phần hóa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.