Dự án mới thiếu vốn, dự án cũ thua lỗ

17/06/2019 07:40 GMT+7

Trong khi một số dự án BOT giao thông đứng trước nguy cơ vỡ phương án tài chính thì nhiều dự án mới lại có nguy cơ chậm tiến độ, thậm chí dừng triển khai do vướng mắc nguồn vốn.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức BOT đã có những chuyển biến sau khi thay thế nhà đầu tư, song tiến độ dự án (dự kiến hoàn thành năm 2020) rất có thể bị phá vỡ một lần nữa do nguồn vốn tín dụng không được giải quyết.
Tại cuộc làm việc cuối tuần trước với lãnh đạo Bộ GTVT, nhà đầu tư cho biết nguồn vốn ngân sách hỗ trợ dự án đã được Chính phủ trình nhưng vẫn đang chờ Quốc hội thông qua, chưa xác định rõ thời điểm giải ngân. Đồng thời, nguồn vốn vay tín dụng của dự án đã ký kết hơn một năm nhưng vẫn chưa được giải ngân do ngân hàng cho vay yêu cầu thêm nhiều điều kiện chặt chẽ mà nhà đầu tư khó đáp ứng... Ngay cả dự án cao tốc Bắc - Nam sắp tổ chức đấu thầu, theo một nhà đầu tư BOT, việc tiếp cận vốn vay của các nhà đầu tư trong nước cũng rất khó khăn.
Sự “hờ hững”, thận trọng của các ngân hàng với các dự án BOT hiện nay không phải không có lý do. Một trong những nguyên nhân lớn nhất là việc sụt giảm doanh thu, thậm chí thua lỗ khi phương án doanh thu theo hợp đồng BOT bị phá vỡ. Đơn cử như dự án Cai Lậy, theo nhà đầu tư dự án, sau hơn 1 năm dừng thu, nhà đầu tư này đã lỗ hơn 130 tỉ đồng (tính đến cuối tháng 2.2019). Với dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, mức thu hiện tại chỉ vài trăm triệu đồng/tháng trong khi riêng lãi vay phải trả là 16 tỉ đồng/tháng.
Theo Tổng cục Đường bộ, trong số 57 dự án BOT có tới 27 dự án có doanh thu tăng, 26 dự án có doanh thu bị giảm. Còn theo Ngân hàng Nhà nước, hiện có 32% các dự án BOT đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu thu phí không đạt như dự kiến, dư nợ cho vay đối với các dự án này vào khoảng 43.000 tỉ đồng. Việc các dự án có doanh thu thu phí không đạt như phương án tài chính dự kiến dẫn đến phải cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng thương mại.
Trong khi đó, các khoản vay với các dự án BOT, BT giao thông có mức vay lớn, thời gian kéo dài trong khi nguồn vốn vay của các ngân hàng chủ yếu là vay ngắn hạn. Nếu các vướng mắc BOT không được xử lý dứt điểm, không chỉ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ và chất lượng tín dụng của các ngân hàng về dài hạn, mà còn ảnh hưởng đến khả năng thu hút vốn vay của các dự án giao thông tới đây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.