Dự án nghẽn thủ tục, 'ôm' lãi cao, làm sao có bất động sản giá rẻ?

27/04/2023 11:40 GMT+7

Đó là vấn đề được bà Nguyễn Thái Hà, Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Thăng Long dẫn ví dụ từ chính dự án của công ty để lý giải rõ nguyên nhân vì sao thị trường "lao dốc" nhưng các doanh nghiệp bất động sản khó giảm giá nhà, tại hội thảo "Vực dậy thị trường bất động sản, thúc đẩy phục hồi kinh tế" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 27.4.

Theo bà Hà, 14 năm đầu tư và phát triển các dự án bất động sản (BĐS) tại TP.HCM cùng các tỉnh lân cận, bà tự tin khẳng định Địa ốc Thăng Long là 1 trong những doanh nghiệp tiên phong giải quyết câu chuyện pháp lý, hoàn thiện mọi thủ tục pháp lý trước khi đưa các dự án ra thị trường. 

Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng nên 100% các dự án công ty đã phát triển và triển khai đều hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước. Vì thế, khách hàng của công ty nhanh nhất trong 6 tháng, muộn nhất 24 tháng sẽ có giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

Dự án nghẽn thủ tục, 'ôm' lãi cao, làm sao có bất động sản giá rẻ?  - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thái Hà phát biểu tại hội thảo

ĐỘC LẬP

"Nói vậy để thấy, khung pháp lý hiện không vướng đến mức các doanh nghiệp không thể hoàn thiện được thể chế pháp lý để kinh doanh. Cái khó hiện nay là ở tâm lý của những người thực thi pháp luật" - bà Hà nói và dẫn chứng: Địa ốc Thăng Long hiện có 1 dự án đã hoàn thiện thủ tục đất đai, hoàn thành công tác đền bù cho người dân, đã đóng thuế cho nhà nước, được cấp giấy phép xây dựng và đã cất nóc. Tuy nhiên, dự án đang triển khai thì hết hạn nhưng nộp hồ sơ đã 3 năm chưa được gia hạn. Hồ sơ nộp lên bị đẩy đi khắp nơi, trình hết sở này tới ban kia.

"Dự án đã được cấp phép xây dựng nên bắt buộc phải thi công tiếp. Trong thời gian dự án đứng bánh, chúng tôi vẫn phải vay ngân hàng với lãi vay trung hạn 14 - 15%, có những tháng lên tới 16%. Doanh nghiệp phải "ôm" trả lãi ngân hàng cao như thế, khi bán ra phải tính vào giá vốn nên BĐS không thể có giá rẻ, giá thấp"- bà Hà nói thẳng và dẫn chứng, quý 1 vừa qua, thị trường BĐS gần như không có giao dịch, cung không gặp cầu. Lý do là doanh nghiệp vẫn phải gánh đủ chi phí, nên không bán giá thấp được trong khi người mua thì chỉ tìm sản phẩm giá rẻ, không sẵn sàng xuống tiền cho những sản phẩm giá cao. 

Dù vậy bà Hà thừa nhận, nhờ các chính sách hỗ trợ tài chính thời gian vừa qua nên từ giữa tháng 4 đến nay, bắt đầu có khách hàng quay lại tìm hiểu nhưng tỷ lệ xuống tiền hiện vẫn đang rất thấp vì tâm lý chờ chính sách hỗ trợ thiết thực hơn. 

Trước thực trạng trên, lãnh đạo Địa ốc Thăng Long đề xuất Chính phủ sớm vào cuộc, có phương án thúc đẩy các cán bộ cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp BĐS trong công tác phê duyệt thủ tục. Song song, có chính sách giảm lãi suất ngân hàng để người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng mua nhà với mức lãi suất ổn định như những năm trước từ 9 - 10%. Khi khách mua nhiều hơn thì doanh nghiệp cũng khơi thông được dòng tiền.

Tiến sĩ kinh tế Huỳnh Thanh Điền: ‘Phải đánh thuế đầu cơ bất động sản’


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.