Dự án nghìn tỉ vi phạm môi trường, 'bên ta' phạt 'bên mình'

10/08/2017 08:11 GMT+7

Dự án xây dựng Bệnh viện Sản nhi tỉnh Ninh Bình với nguồn vốn nhà nước đầu tư 2.670 tỉ đồng, đã xây dựng gần 7 năm, nhưng vẫn chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định.

3 lần điều chỉnh quy mô, tăng vốn
Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Sản nhi tỉnh Ninh Bình (đóng tại tại P.Nam Thành, thành phố Ninh Bình) được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt đầu tư xây dựng từ năm 2010 - 2012, quy mô 300 giường bệnh, tổng kinh phí 482 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, thời gian hoàn thành 2012. Nhưng sau đó tháng 11.2010, UBND tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt lại dự án, tăng quy mô bệnh viện lên 400 giường bệnh, tổng mức đầu tư là 800 tỉ đồng, hoàn thành trong năm 2014. Tiếp đó, vào tháng 9.2011, UBND tỉnh Ninh Bình lại điều chỉnh, tăng quy mô bệnh viện lên 900 giường bệnh, với mức đầu tư là 2.670 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, hoàn thành trong năm 2016. UBND tỉnh Ninh Bình cũng giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Ninh Bình (Ban Quản lý dự án Ninh Bình) làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, đến nay sau gần 7 năm xây dựng,  dự án mới chỉ hoàn thành cơ bản phần xây thô (khoảng 80% khối lượng) do thiếu vốn. Không những chậm tiến độ mà vào tháng 6 vừa qua, Sở Tài nguyên-Môi trường Ninh Bình kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường đã phát hiện dự án này từ khi xây dựng đến nay chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) để Bộ Tài nguyên-Môi trường phê duyệt. Ngay sau khi có kết luận của Sở Tài nguyên-Môi trường, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã ký quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Ban Quản lý dự án Ninh Bình số tiền 400 triệu đồng và yêu cầu chủ đầu tư phải dừng thi công 6 tháng để khắc phục các lỗi vi phạm.

tin liên quan

Kiến nghị dừng hẳn dự án 'lấp sông Đồng Nai'
Đây là nội dung chính của bản kiến nghị do Mạng lưới sông ngòi VN (VRN), Liên minh Năng lượng bền vững VN, Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững, gửi đến Chính phủ, các bộ ngành và tỉnh Đồng Nai.
Không có tiền nộp phạt?
Sau khi có quyết định xử phạt, đến nay dự án này vẫn chưa nộp phạt. Lý giải về việc này, ông Tống Đức Long, Trưởng phòng Tổ chức hành chính Ban Quản lý dự án Ninh Bình cho biết, Ban trực thuộc UBND tỉnh Ninh Bình, nay UBND tỉnh lại ra quyết định xử phạt, nên Ban chưa biết lấy kinh phí ở đâu để nộp phạt. “Nếu lấy tiền ngân sách thì không được, lấy tiền lương của anh em trong Ban lại càng không được. Vừa qua Chủ tịch tỉnh cũng đã tổ chức cuộc họp bàn cách giải quyết vấn đề này nhưng cũng chưa tìm ra giải pháp. Vì vậy, đến nay chúng tôi vẫn chưa thể thực hiện việc nộp phạt theo quyết định”, ông Long nói.
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật TNHH Hừng Đông - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, Ban Quản lý dự án Ninh Bình là chủ đầu tư đương nhiên về nguyên tắc phải nộp phạt theo quyết định xử phạt hành chính của UBND tỉnh Ninh Bình. “Nếu không có nguồn tiền để nộp phạt thì UBND tỉnh Ninh Bình phải có trách nhiệm xử lý vì là đơn vị chủ quản của Ban Quản lý dự án Ninh Bình. Sau khi thực hiện việc nộp phạt thì áp dụng theo luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 (vì luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 chưa có hiệu lực) để xác định lỗi, trách nhiệm của người thi hành công vụ, gây ra hậu quả. Từ đó xác định trách nhiệm bồi thường, hoàn trả tiền cho Nhà nước. Ngoài ra, còn phải xem xét đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự vì nếu Ban Quản lý dự án Ninh Bình không được Bộ Tài nguyên-Môi trường phê duyệt hồ sơ ĐTM, thì dự án sẽ tiếp tục “đắp chiếu”, gây lãng phí lớn tiền của Nhà nước và mất niềm tin của người dân”, luật sư Huế nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.