Trạm bơm 10 năm chưa xong…
Đại biểu (ĐB) Lê Minh Đức cho hay ngay sau khi TP.Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng thủ đô, đã có tổ giám sát các công trình chậm triển khai, nhưng đến nay vẫn có nhiều dự án dù chậm triển khai nhưng chưa bị thu hồi. Ông Đức dẫn chứng 3 dự án: Khu công nghiệp Nam Hà Nội, theo kế hoạch năm 2012 dự án hoàn thành nhưng đến nay vẫn bỏ hoang; “siêu dự án” Sông Hồng City được phê duyệt từ 1995 đến nay vẫn để quây tôn; dự án 148 Giảng Võ (Q.Ba Đình) sau nhiều năm phê duyệt vẫn để không.
Đại biểu Lê Minh Đức chất vấn tại phiên họp HĐND TP.Hà Nội |
XUÂN HẢI |
Tương tự, ĐB Nguyễn Thanh Bình cũng đề nghị làm rõ công tác giám sát, trách nhiệm của các đơn vị có liên quan đối với dự án chậm triển khai. Đơn cử, dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc số 31-33-35 Lý Thường Kiệt, HĐND TP đã nhiều lần giám sát, đưa vào danh sách chậm triển khai nhưng đến nay dự án vẫn chưa triển khai.
Theo Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn, dự án tại khu vực 148 Giảng Võ (khu triển lãm Giảng Võ cũ) đã có chủ trương chuyển đổi làm trung tâm dịch vụ thương mại, dịch vụ, văn hóa. Trước đó, vào năm 2016, UBND TP đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đất 6,8 ha số 148 Giảng Võ với quy mô 10 tòa chung cư cao 50 tầng. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Chính phủ, UBND TP cũng như ý kiến của các bộ, ngành và dư luận xã hội, đến tháng 3.2019, UBND TP đã có quyết định chủ trương đầu tư dự án, không xây dựng quy mô 10 tòa nhà cao 50 tầng nữa. Thay vào đó, khu vực này sẽ được làm trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa để đảm bảo chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc phù hợp.
Liên quan đến dự án tại số 31-33-35 Lý Thường Kiệt, ông Tuấn cho hay UBND TP đã có Quyết định số 7509 năm 2015, giao khu đất hơn 2.254 m2 cho Tập đoàn T&T. Sở QH-KT và Q.Hoàn Kiếm đang xây dựng đồ án thiết kế đô thị để chậm nhất quý 1/2023 sẽ trình UBND TP xem xét.
Bên cạnh đó, các ĐB cũng chất vấn về các dự án trạm bơm tiêu thoát nước như Yên Nghĩa, Liên Mạc chậm tiến độ nhiều năm, trong khi Hà Nội thời gian qua cứ mưa là ngập. ĐB Trần Hợp Dũng nêu: “Hà Nội có nhiều trận mưa gây úng ngập cục bộ. Trong khi trạm bơm Yên Nghĩa chậm thực hiện 10 năm qua, đây có phải nguyên nhân gây úng ngập cho khu vực phía tây của TP, trách nhiệm thuộc về đơn vị nào?”.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ lại cho rằng dự án trạm bơm Yên Nghĩa được TP.Hà Nội phê duyệt từ năm 2013, sau đó qua 2 lần phê duyệt điều chỉnh thực hiện đến 2021, nên “không phải chậm 10 năm mà chỉ chậm 6 tháng”. Theo ông Mỹ, việc ngập úng của Hà Nội một phần do trạm bơm Yên Nghĩa, nhưng không phải nguyên nhân chính, mà còn do 3 trạm bơm Liên Mạc, Yên Thái, Đào Nguyên chưa xây dựng được, vì thế công suất thiết kế mới đạt khoảng 40 - 50%. Tuy nhiên, việc bao giờ mới hoàn thành dự án trạm bơm Yên Nghĩa, theo Giám đốc Sở NN-PTNT, còn phụ thuộc vào giải phóng mặt bằng.
Bức xúc trước việc liên tục xảy ra tình trạng ngập rác thải tại nội đô, ĐB Nguyễn Nguyên Quân nêu sau 7 năm phê duyệt quy hoạch, 2 dự án xử lý rác thải Ứng Thoong và Châu Can vẫn chưa được triển khai, gây áp lực cho 2 hệ thống xử lý rác thải tập trung của TP. Tuy nhiên, phần trả lời khá dài của Giám đốc Sở KH-ĐT Đỗ Anh Tuấn sau đó chưa được ĐB và Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đồng thuận, khi nêu lại các nội dung cũ đã trả lời chất vấn từ kỳ họp cuối năm 2021, trong khi chưa chốt lại được giải pháp và tiến độ mới.
Chốt lại nội dung này, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Trọng Đông yêu cầu xem kỹ năng lực của chủ đầu tư. “Dự án 7 - 8 năm chưa triển khai vẫn đề nghị điều chỉnh quy mô và công suất, Sở KH-ĐT phải xem xét rõ năng lực để thu hồi dự án chậm triển khai, xem xét chuyển đầu tư công. Trong 1 tháng tới, TP cam kết sẽ yêu cầu các sở, ngành báo cáo rõ”, ông Đông nêu rõ.
Nhu cầu nhiều, nhà tái định cư vẫn để trống
ĐB Nguyễn Bích Thủy chất vấn qua kiểm tra giám sát cho thấy công tác quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư (TĐC) trên địa bàn Hà Nội vẫn còn thiếu dẫn đến vi phạm. Trong tổng số 199 tòa nhà chung cư TĐC với 17.957 căn hộ thì có tới 650 căn hộ có vi phạm khi đơn vị quản lý tự ý cho vào ở trong khi các hộ chưa ký hợp đồng, chưa nộp tiền thuê nhà. Hiện nay mới khắc phục được 396 căn. Bà Thủy cũng đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước khi để xảy ra những vi phạm trên.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong, trong số 650 căn hộ TĐC có vi phạm, Công ty quản lý phát triển nhà Hà Nội đã khắc phục được 396 căn, vẫn còn 254 căn, theo kế hoạch hết năm 2022 sẽ cơ bản xử lý xong. Đối với các trường hợp chây ì trong việc nộp tiền hoặc ký hợp đồng mua nhà, Sở sẽ kiến nghị chuyển sang cơ quan điều tra để làm rõ, trong trường hợp vi phạm chiếm dụng tài sản nhà nước thì phải xử lý theo quy định.
Lý giải việc quỹ nhà TĐC còn trống trong khi nhu cầu nhà ở của người dân cao, theo ông Phong, hiện còn 424 căn hộ TĐC trống chưa bố trí cho dự án nào. Đối với quỹ nhà trống, chưa có người vào ở do một số nguyên nhân, như các hộ dân được bố trí nhà TĐC còn có vấn đề khiếu nại, kiến nghị liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng, liên quan chế độ, chính sách. Hoặc người dân được bố trí nhà TĐC nhưng trả lại nhà, đề nghị hỗ trợ tiền...
Cũng nêu câu hỏi cho lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, ĐB Trần Ngọc Dũng nói: “Theo quy định sẽ dành quỹ đất 20 - 25% xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH), nhưng thực tế chưa đáp ứng được. TP đã dành quỹ đất để phát triển NƠXH, tuy nhiên vì sao tới nay việc này chưa đáp ứng được, trách nhiệm của Sở ở đâu?”.
Theo ông Phong, Hà Nội giai đoạn qua có 25 dự án NƠXH hoàn thành với diện tích 1,2 triệu m2 sàn. Có 52 dự án đang triển khai với quy mô 4,1 triệu m2. TP ngoài việc triển khai các dự án NƠXH trên các quỹ đất 20 - 25%, đối với các dự án được thực hiện nghĩa vụ tài chính với diện tích tương đương giá trị 25% đất, đã thu được 47 dự án với tổng số 3.564 tỉ đồng. Đối với việc rà soát quỹ đất 20 - 25%, Sở đã tổng hợp toàn bộ dự án với tổng diện tích hiện nay 6,8 triệu m2. Hà Nội cũng dự kiến triển khai thực hiện 5 khu nhà ở tập trung (tại các huyện Đông Anh, Thanh Trì và Gia Lâm). Đến thời điểm này, đã có 2/5 khu được TP phê duyệt 1/500 và 3 khu đang triển khai nghiên cứu.
Bình luận (0)