Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc Ngô Sĩ Tồn mới đây đề xuất đưa một dự án xây đường hầm kết nối lục địa Trung Quốc với đảo Hải Nam vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm hiện nay hoặc 5 năm tới của nước này, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
Kế hoạch 5 năm hiện nay, bắt đầu từ năm 2021 đến 2025, đã được công bố hồi tháng 11.2020 và dự kiến được quốc hội Trung Quốc thông qua trong kỳ họp thường niên vào tháng 3.2021. Nếu được đưa vào kế hoạch này, dự án xây dựng đường hầm sẽ được đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành vào năm 2033.
Phục vụ "mưu đồ bành trướng"
Đảo Hải Nam bị chia cắt với bán đảo Lôi Châu thuộc tỉnh Quảng Đông bởi eo biển Quỳnh Châu. Eo biển này nối vịnh Bắc bộ về phía tây của đảo Hải Nam với Biển Đông về phía đông. Hiện nay, các chuyến đi đến Hải Nam chỉ có thể được thực hiện bằng đường biển và đường hàng không, thường mất nhiều giờ đồng hồ. Tuy nhiên, thời gian này có thể được rút ngắn xuống còn khoảng 10 phút nếu đi bằng đường sắt cao tốc như viện nghiên cứu của ông Ngô đề xuất.
Ông Ngô cho biết thêm viện nghiên cứu của ông hồi mùa hè năm ngoái đã thảo luận về các khả năng thực hiện dự án với giới kỹ sư và đề nghị xây dựng một đường hầm có tính khả thi về mặt kỹ thuật. Nếu được phê chuẩn, dự án này sẽ ngốn kinh phí xây dựng tới 12 tỉ USD và mất khoảng 8 năm để hoàn thành.
|
Cũng theo ông Ngô, việc xây dựng một đường hầm kết nối đảo Hải Nam với bán đảo Lôi Châu có thể tạo điều kiện cho Bắc Kinh tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông bằng cách cung cấp các kết nối vận tải được cải tiến để phân phối vật liệu và hỗ trợ hậu cần. “(Đường hầm) sẽ hỗ trợ Trung Quốc bảo vệ chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển”, ông Ngô nhận định.
Cách đây hơn 8 năm, vào tháng 7.2012, Trung Quốc đã ngang nhiên lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" thuộc tỉnh Hải Nam để tự cho mình có quyền quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trong bài viết do báo Defense News đăng mới đây, cựu phi công quân sự Mỹ Scott Trail, hiên là kỹ sư nghiên cứu của Viện nghiên cứu Công nghệ Georgia, cho rằng những mưu đồ mang tính bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông chủ yếu tập trung vào quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Liệu có khả thi?
Từ thập niên 1990 đã có một số đề nghị và nghiên cứu tính khả thi về việc xây dựng đường bộ kết nối tỉnh Hải Nam và bán đảo Lôi Châu, nhưng ý tưởng không thành hiện thực do có nhiều khó khăn về kỹ thuật, kinh phí và quan ngại về môi trường. Dự án tương tự cũng đã được đưa vào kế hoạch phát triển 5 năm lần thứ 12 (từ năm 2011-2015), nhưng không được triển khai, theo SCMP.
Giới chuyên gia Trung Quốc giờ đây cho rằng những vấn đề từ dự án như trên có thể được khắc phục và nỗ lực của Bắc Kinh biến đảo Hải Nam thành một trung tâm thương mại tự do đẳng cấp thế giới và một điểm đến du lịch có thể góp phần thúc đẩy dự án. Hồi năm 2019, Viện Công trình Trung Quốc cho hay đã tìm ra giải pháp cho một trong những khó khăn lớn nhất của việc xây dựng một đường hầm dài dưới biển là vấn đề thông hơi và đã đạt bước tiến trong việc giải quyết những thách thức liên quan công trình xây dựng này, theo báo Thepaper.cn.
|
Ông Ngô cho rằng nếu được xây dựng, một đường hầm kết nối Hải Nam với lục địa Trung Quốc sẽ tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng và sự di chuyển của con người, thu hút các công ty và tài năng đến đảo này. Từ đó, kinh tế Hải Nam sẽ phát triển mạnh và trở thành “tuyến chính cho Trung Quốc hòa nhập sâu vào kinh tế toàn cầu”.
Tuy nhiên, có quan ngại rằng một khi đường hầm được xây, tình trạng dòng người và xe cộ ồ ạt đổ về Hải Nam sẽ tăng thêm gánh nặng về sinh thái cho đảo này, theo SCMP. “Không có hình mẫu thật sự để có thể tính toán một cách đầy đủ về khả năng chịu đựng chính xác của Hải Nam. Liệu dự án (xây dựng đường hầm) có gây tổn hại cho môi trường sinh thái hay không vẫn chưa rõ”, SCMP dẫn lời Giám đốc Viện Nghiên cứu Con đường tơ lụa biển (Trung Quốc) Lâm Dũng Tân cho hay.
Bình luận (0)