Trong kế hoạch đầu tư công 2020, dự án này được phân bổ hơn 22.855 tỉ đồng (theo quy định phải được giải ngân trước 31.12.2021), nhưng tới cuối 2022 mới giải ngân được 16.697 tỉ đồng, còn hơn 2.510 tỉ đồng chưa giải ngân hết. Tờ trình của Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân số vốn này đến hết 2024 để hoàn thành dự án.
Theo Chính phủ, việc này là tương tự việc Quốc hội cho phép gia hạn thời gian giải ngân nguồn vốn kế hoạch năm 2018 vào năm 2021 và gia hạn thời gian giải ngân nguồn vốn dự phòng ngân sách T.Ư năm 2016 bổ sung cho tỉnh Bình Thuận để thực hiện dự án hồ chứa nước Ka Pét hồi tháng 6 vừa qua.
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp hôm nay, Ủy ban Kinh tế cho biết, theo luật Đầu tư công, kế hoạch đầu tư công 2020 - 2021 chỉ được giải ngân tương ứng đến hết năm 2021 và 2022. Do đó, số tiền hơn 2.510 tỉ đồng còn lại chưa giải ngân hết đã bị hủy dự toán theo quy định.
Vì vậy, cơ quan thẩm tra cho rằng, đề xuất của Chính phủ là "không thể thực hiện được" vì không còn tiền để chuyển nguồn.
Cũng theo ông Thanh, dù đã có kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ 5.10, Tổng thư ký cũng đã có văn bản ngày 2.11 đề nghị Chính phủ bổ sung tờ trình đề xuất nguồn để bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và bố trí dự toán hàng năm song đến hết ngày 14.11 vẫn chưa có tờ trình của Chính phủ.
Do đó, cơ quan thẩm tra cho rằng, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định ngay thì chưa chặt chẽ. Trường hợp Chính phủ có tờ trình về nguồn vốn, cũng cần có cơ quan thẩm tra để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm đầy đủ quy trình, thủ tục.
Điều hành phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói việc cho phép kéo dài thời gian thì được, nhưng việc chuyển nguồn số vốn hơn 2.510 tỉ đồng thì không thực hiện được do đã bị hủy dự toán, không còn nguồn để chuyển.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi nói mặc dù số tiền chưa giải ngân bị hủy dự toán nhưng vốn vẫn nằm ở Đồng Nai, mong Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội tạo điều kiện để dự án tiếp tục có vốn. "Kéo dài nữa thì rất khó khăn trong thực hiện. Nguồn vốn này với địa phương rất là lớn", ông Phi nói.
Báo cáo thêm, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nói Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ nghiên cứu tham mưu đề xuất nguồn nhưng các bộ, ngành không tham mưu được là lấy nguồn đâu ra. Mà ra được nguồn rồi cũng phải làm theo quy trình mất thời gian. Do đó, ông Thắng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thêm thời gian trong mấy ngày tới để chuẩn bị. Đồng thời, theo hướng đề xuất của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải là lấy nguồn dự phòng năm 2023, hoặc 2024 thì phải trình Quốc hội xin điều chỉnh dự toán ngân sách năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua tuần trước.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý chủ trương kéo dài thời gian thực hiện dự án, còn việc bố trí nguồn vốn, Chính phủ cần có tờ trình thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội mới có ý kiến.
Bình luận (0)