Dự án sân bay Phan Thiết vay vốn tín dụng không khả thi?

24/11/2024 17:27 GMT+7

UBND tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để giải trình ý kiến liên quan đến việc thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết (sân bay Phan Thiết).

Trước đó, UBND tỉnh Bình Thuận nhận được ý kiến của Ngân hàng Nhà nước (NHNN- thành viên Hội đồng thẩm định liên ngành) xung quanh việc cần làm rõ một số nội dung dự thảo thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án BOT sân bay Phan Thiết.

UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Sở GTVT, Sở KH-ĐT và các đơn vị liên quan rà soát hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Đến nay, đơn vị tư vấn đã tiếp thu, giải trình và hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư, cụ thể như sau:

Dự án đầu tư công suất 2,5 triệu hành khách/năm ?

Liên quan nội dung "dự án đầu tư với quy mô cấp 4E, đảm bảo công suất 2 triệu hành khách/năm đến 2030; công suất 3 triệu hành khách/năm đến 2050", NHNH đặt vấn đề, theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (điều chỉnh), dự án được chia thành 2 giai đoạn đầu tư, giai đoạn 1 đầu tư quy mô công suất 2,5 triệu hành khách/năm; giai đoạn 2 (sau năm 2036) đầu tư xây dựng quy mô công suất 3,5 triệu hành khách/năm. Từ đó cơ quan này đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận rà soát và chuẩn xác lại số liệu về quy mô, công suất đầu tư dự án cho phù hợp với quy hoạch được phê duyệt.

Dự án sân bay Phan Thiết vay vốn tín dụng không khả thi?- Ảnh 1.

Nhà ga BOT sân bay Phan Thiết, quy mô dự kiến 2,5 triệu khách /năm nhưng vẫn chưa có nhà đầu tư

ẢNH: SỞ GTVT- BÌNH THUẬN

Về nội dung trên, UBND tỉnh Bình Thuận giải thích, phân kỳ đầu tư dự án thành 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 dự kiến khai thác từ năm 2026, quy mô đầu tư với công suất khoảng 2,5 triệu hành khách/năm. Dự báo đến năm 2036 là khoảng 2,7 triệu hành khách/năm. Giai đoạn 2 đầu tư năm 2036 với quy mô đầu tư mở rộng đạt công suất khoảng 3,0 triệu hành khách/năm, đáp ứng công suất quy hoạch đến năm 2050; tiếp tục sắp xếp dây chuyền khai thác và áp dụng công nghệ, thiết bị để khai thác đến hết vòng đời dự án (dự kiến năm 2070) với công suất khoảng 3,5 triệu hành khách/năm.

Về nguồn vốn chủ sở hữu khoảng 759 tỉ đồng, chiếm 15% tổng nguồn vốn đầu tư, NHNN đánh giá, tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án còn ở mức thấp. Để tăng tính khả thi, hiệu quả của dự án, đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận xem xét tăng tỷ lệ nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư. Đồng thời, đánh giá kỹ khả năng đấu thầu, lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực để triển khai dự án".

Đối với nội dung này, UBND tỉnh Bình Thuận giải trình như sau: Tỷ lệ vốn chủ sở hữu 15% trong tổng vốn đầu tư của Dự án, đang được áp dụng theo đúng Điều 77 luật PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư ). Việc đưa tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu 15% theo luật PPP nhằm đảm bảo việc thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia đấu thầu.

Tiếp thu ý kiến Ngân hàng nhà nước, trong bước tiếp theo khi lựa chọn nhà đầu tư, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn được giao nhiệm vụ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định của luật Đầu tư và các luật liên quan.

Dự án sân bay Phan Thiết vay vốn tín dụng không khả thi?- Ảnh 2.

Phối cảnh nhà ga BOT sân bay Phan Thiết về đêm

ẢNH: SỞ GTVT- BÌNH THUẬN

Chủ yếu phụ thuộc vào vốn tín dụng, có rủi ro cao?

Về nguồn vốn tín dụng, ý kiến của Ngân hàng nhà nước Việt Nam đặt vấn đề, tổng nhu cầu vốn tín dụng của dự án khoảng 4.299 tỷ đồng, chiếm 85% nguồn vốn nhà đầu tư. Dự án có thời gian hoàn vốn rất dài (khoảng 45 năm); đồng thời, theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh, tổng mức đầu tư tăng quá 5% hoặc sản lượng khai thác sụt giảm quá 5% sẽ làm kéo dài thời gian hoàn vốn trên 50 năm, cho thấy dự án có rủi ro cao.

Bên cạnh đó, trong 31 năm đầu khai thác dự án không có khả năng hoàn trả nợ gốc vay. Như vậy, nguồn vốn thực hiện dự án chủ yếu phụ thuộc vào vốn tín dụng. Trong khi phương án tài chính không đảm bảo trả nợ sẽ rất khó có khả năng huy động vốn tín dụng ngân hàng.

"Như vậy, tính thực tiễn của việc vay vốn tín dụng của dự án là không khả thi. Vì vậy, để triển khai thành công dự án, UBND tỉnh Bình Thuận cần làm rõ khả năng huy động vốn cho dự án; tránh tình trạng dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng không đấu thầu lựa chọn được nhà đầu tư", công văn của NHNN đề nghị.

Dự án sân bay Phan Thiết vay vốn tín dụng không khả thi?- Ảnh 3.

Đường băng cất cánh hạ cánh của sân bay Phan Thiết đã được Bộ Quốc phòng xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào khai thác cho bay huấn luyện quân sự

ẢNH: C.T.V

Đối với nội dung này, UBND tỉnh Bình Thuận giải trình: Với đặc thù dự án đầu tư cảng hàng không với vốn đầu tư là rất lớn, nên thời gian hoàn vốn khá dài từ 40 năm trở lên; các năm đầu khi doanh thu còn thấp thì dòng tiền thu không đủ để trả nợ vốn gốc, việc này cũng tương tự như một số cảng hàng không khác đã xây dựng.

Cũng theo UBND tỉnh Bình Thuận, dự án Cảng hàng không Phan Thiết có vai trò rất quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh về mọi mặt, việc đầu tư dự án là rất cần thiết. UBND tỉnh Bình Thuận cam kết sẽ áp dụng linh hoạt các cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư theo quy định pháp luật như: Hỗ trợ trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, chính sách hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào, chính sách hỗ trợ đào tạo lao động. Dự án đã nghiên cứu rất nhiều các phương án đầu tư, phân kỳ thành nhiều giai đoạn và đã đề xuất phương án tối ưu nhất để triển khai thực hiện dự án.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.