Dự án thành lập trường ĐH không vì lợi nhuận nhiều năm rồi vẫn 'treo'

02/08/2024 05:44 GMT+7

Được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập trường ĐH không vì lợi nhuận từ 5 - 6 năm nay. nhưng hiện dự án các trường này vẫn nằm trên giấy do những vướng mắc không thể tháo gỡ về đất đai.

GIAN NAN THỦ TỤC ĐẤT ĐAI

Ngày 18.10.2018, Bộ GD-ĐT có Tờ trình số 989/TTr-BGDĐT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương cho phép thành lập Trường ĐH Đại Việt Sài Gòn trên cơ sở Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn tại TP.HCM, là trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Từ tờ trình này, ngày 28.11.2018, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương tại Văn bản số 1694/TTg- KGVX.

Sau khi nhận quyết định, Ban quản lý dự án Trường ĐH Đại Việt Sài Gòn đã xây dựng đề án thành lập Trường ĐH Đại Việt Sài Gòn phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH và quy hoạch mạng lưới các trường ĐH được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Dự án thành lập trường ĐH không vì lợi nhuận nhiều năm rồi vẫn 'treo'- Ảnh 1.

Chủ đầu tư Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn theo đuổi việc thành lập Trường ĐH Đại Việt Sài Gòn theo mô hình không vì lợi nhuận

WEBSITE NHÀ TRƯỜNG

Theo tiến sĩ Lê Lâm, Trưởng ban Quản lý dự án, đất mà trường đang sở hữu và hoạt động hiện nay là 66.372 m2 (6,6372 ha). Trong đó, đất sở hữu và góp vốn của trường có 56.452 m2 (5,645 ha), đất trường thuê trung và dài hạn có 9.920 m2 (0,992 ha). Quỹ đất trường xin quy hoạch để xây dựng trường ĐH ở khu vực tây bắc (H.Củ Chi, thuộc khu giáo dục ĐH, CĐ) là 5,22 ha, khu vực tây nam (Q.8) là 5,41 ha.

Về vốn đầu tư, Ban quản lý dự án trường này cũng đã chuẩn bị vốn đầu tư là 1.914.881.598.661 đồng (hơn 1.914 tỉ đồng), đảm bảo nguồn vốn, kinh phí thành lập Trường ĐH Đại Việt Sài Gòn.

Tới thời điểm hiện nay, về cơ bản Ban quản lý dự án đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cũng như chuẩn bị hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ ra quyết định cho phép thành lập trường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các thủ tục của UBND TP.HCM để có quyết định giao 2 khu đất vẫn chưa hoàn tất do đang tiến hành rà soát dự án để đảm bảo pháp lý và đang triển khai các bước theo đúng quy định hiện hành của luật Đất đai 2013 và các quy định có liên quan khác.

"Thêm nữa, vướng mắc này một phần là do từ đầu năm 2020 dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nhiều đợt giãn cách, phong tỏa nên cũng làm gián đoạn quy trình xử lý ở các khâu của các sở, ban, ngành… Do vậy, UBND TP.HCM vẫn chưa có văn bản pháp lý xác nhận về quyền sử dụng đất hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền giao đất hoặc cho thuê đất từ 50 năm trở lên để xây dựng trường, trong đó xác định rõ địa điểm, mốc giới, địa chỉ, diện tích của khu đất nơi trường đặt trụ sở chính. Văn bản quy hoạch xây dựng trường và thiết kế tổng thể đã được UBND TP.HCM phê duyệt cũng chưa có", ông Lê Lâm cho hay.

Như vậy đến nay, đã gần 5 năm kể từ ngày có quyết định về Chủ trương cho phép thành lập Trường ĐH Đại Việt Sài Gòn hoạt động không vì lợi nhuận của Thủ tướng Chính phủ, Ban quản lý dự án thành lập Trường ĐH Đại Việt Sài Gòn vẫn chưa hoàn tất các thủ tục về việc giao, thuê đất, nên việc quy hoạch xây dựng trường và thiết kế tổng thể chưa được UBND TP.HCM phê duyệt.

Trong khi đó, đề án thành lập Trường ĐH Du lịch Sài Gòn được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương từ cuối năm 2009 trên cơ sở nâng cấp từ Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn. Đến năm 2017, trường chính thức được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập trường ĐH không vì lợi nhuận. Hành trình để có được quỹ đất xây dựng trường ĐH của trường này cũng gian nan suốt 15 năm qua. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn tiếp tục "treo".

Dự án thành lập trường ĐH không vì lợi nhuận nhiều năm rồi vẫn 'treo'- Ảnh 2.

Dự án thành lập Trường ĐH Du lịch Sài Gòn theo mô hình không vì lợi nhuận bị treo nhiều năm vì vướng mắc về đất đai

P.V

HỤT HẪNG, MẤT TÂM HUYẾT VÌ KÉO DÀI GÂY THIỆT HẠI

Tiến sĩ Vũ Khắc Chương, Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn, chia sẻ: "Vướng mắc lớn nhất vẫn là về đất đai. TP.HCM vẫn chưa sẵn sàng cho việc giao đất sạch cho các trường tư thục làm trường CĐ và ĐH. Trường chúng tôi theo đuổi về đất xây dựng trường ĐH từ năm 2009 và đã có văn bản của UBND TP.HCM đồng ý sẽ giao 5 ha đất tại Khu đô thị tây bắc. Sau đó trường được giao 4,83 ha và đã có giấy chứng nhận đầu tư năm 2016 tại khu đất ấy. Tuy nhiên cho đến nay UBND TP.HCM lại có ý kiến quy trình cấp giấy chứng nhận đầu tư của UBND TP.HCM bị sai sót và cam kết sẽ tìm hướng giải quyết cho trường. Đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết thỏa đáng".

Theo tiến sĩ Chương, việc này đã khiến trường chịu nhiều thiệt hại vì không có đất thì không được thành lập trường ĐH. "Để đảm bảo cơ sở vật chất và quỹ đất cho việc thành lập trường ĐH, nhà đầu tư phải mua thêm cơ sở, xây dựng và đầu tư khá nhiều, chi phí lên hàng trăm tỉ đồng, chưa nói đến việc dành ra một khoản tài chính để mua đất và xây dựng trên khu đất được giao. Nguồn tài chính ấy vừa là của chủ đầu tư, vừa phải vay mượn. Nếu có quỹ đất và trường lên ĐH thì có thể giải quyết được bài toán tài chính. Còn không có quỹ đất, chưa lên ĐH thì cơ sở vật chất đầu tư quá lớn", ông Chương chia sẻ.

Ông Chương tính toán, nếu như đất được giao và trường được lên ĐH thì cơ sở vật chất của trường đủ để đào tạo cho 20.000 sinh viên; nhưng hiện tại tuyển sinh CĐ của trường khó khăn, mỗi năm chỉ được vài trăm sinh viên nên rất lãng phí, trong khi trường vẫn phải giải quyết lãi và gốc nguồn vốn vay mượn. "Đối với các trường tư thục, đất đai hầu như không được hỗ trợ nhiều. Những vướng mắc, khó khăn và thiệt hại lớn này đã làm chúng tôi hụt hẫng và mất đi rất nhiều tâm huyết", ông Chương bày tỏ.

Tiến sĩ Lê Lâm cũng nhấn mạnh, việc xin được chủ trương thành lập trường ĐH, đặc biệt là trường ĐH tư thục không vì lợi nhuận rất khó có thể thực hiện hoàn tất các thủ tục, hồ sơ trong khoảng thời gian ngắn do gặp quá nhiều khó khăn về đất đai. Vì vậy, ông Lâm đề xuất: "Nên rà soát lại các chính sách để có thể xóa các điểm gây bất bình đẳng trong đầu tư giáo dục giữa trường công lập và tư thục. Qua đó có chính sách phù hợp và thúc đẩy phát triển giáo dục tư thục nâng cao chất lượng và đáp ứng đến 40 - 50% giáo dục ngoài công lập phục vụ đào tạo cho giáo dục ĐH. Về chính sách khuyến khích thành lập các trường ĐH tư thục không vì lợi nhuận, đề nghị nên bổ sung luật và có ban hành nghị định riêng để có chính sách hỗ trợ ưu đãi phù hợp và khả thi. Đồng thời mong Bộ GD-ĐT chủ trì và hỗ trợ hướng dẫn để các dự án được triển khai khả thi, đảm bảo tiến độ theo chủ trương cho phép của Thủ tướng".

Ý kiến

Nhà đầu tư phải tính toán, cân nhắc

Về đất đai, mỗi địa phương có cách ứng xử với các dự án về giáo dục khác nhau. Có nơi mất hàng chục năm mới có được quỹ đất để thành lập trường ĐH. Nhà đầu tư mà yếu về vốn thì kể cả thành lập trường ĐH không vì lợi nhuận cũng phải tính toán, cân nhắc.

Nếu một nhà lãnh đạo địa phương "sống chết vì giáo dục", có tâm huyết với giáo dục thì những nhà đầu tư quyết tâm làm giáo dục, đặc biệt là không vì lợi nhuận, sẽ được khích lệ; ngược lại thì sẽ bị triệt tiêu tâm huyết. Bên cạnh đó, để làm được, phải được sự đồng thuận của cả bộ máy.

Tiến sĩ Trần Đức Cảnh (thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016 - 2021)

Hiện trạng chung của mảng dự án

Đây là một hiện trạng chung của mảng dự án tại VN, không phải đặc thù của riêng giáo dục, càng không phải đặc thù của giáo dục ĐH, giáo dục ĐH tư thục và không vì lợi nhuận. Chính sách xã hội hóa được Chính phủ ban hành vào thập niên 1990 cũng đã quy định hỗ trợ đất cho các dự án giáo dục, nhưng cũng quy định là tùy tình hình địa phương mà giao đất sạch, giao đất và hỗ trợ tiền đền bù giải tỏa, hoặc những phương án giao đất khác. Và cách mà địa phương đối xử với các trường ĐH tư thục cũng không hoàn toàn giống nhau.

Thạc sĩ Châu Dương Quang (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.