Dự án 'tồn'

23/01/2018 04:54 GMT+7

Chỉ riêng giao thông, năm 2017 TP.HCM có tới 80 dự án được phê duyệt bao gồm những dự án trọng điểm.

Thế nhưng vụ sập cầu Long Kiểng (Nhà Bè) cuối tuần trước mới "lòi" ra tới 30 cây cầu yếu, không đồng bộ, trong đó có những cây cầu đã phê duyệt hàng chục năm nhưng vẫn nằm trên giấy.
Nếu làm một cuộc “kiểm kho” các dự án tồn đọng, không cần quá xa, chỉ cần lấy 1 - 2 năm trở lại đây có lẽ cũng đếm không hết. Đơn cử như để giải quyết tình trạng kẹt xe ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, trong năm 2017 Sở GTVT TP.HCM đã trình 22 dự án nhưng kết năm vừa rồi, chỉ có 3 dự án cầu vượt hoàn thành. Số còn lại cái thì dang dở, cái chưa khởi công. Hay các dự án để kết nối liên vùng giữa TP.HCM với các tỉnh - thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam chủ yếu cũng nằm trên giấy.
Cũng vì quá nhiều dự án trong khi nguồn lực, nhân lực có hạn nên rất nhiều dự án dang dở, kéo dài... biến TP thành đại công trường xây dựng với lô cốt, khói bụi; ảnh hưởng rất lớn tới đời sống sinh hoạt, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Những dự án “nằm trên giấy” với 1.001 lý do kéo theo hàng ngàn, hàng vạn hộ dân phải sống trong vùng quy hoạch treo, không thể sửa sang, xây mới hay mang thế chấp ngân hàng trong trường hợp có nhu cầu, quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dự án tồn thì đương nhiên, những kẹt xe, ngập nước, quy hoạch treo không thể giải quyết... kéo theo một loạt họp hành, hội thảo, đề xuất... tìm giải pháp, tốn kém sức người, sức của cả nhà nước và người dân.
Hệ quả thì lớn như vậy mà ít khi thấy có một cuộc “kiểm đếm” dự án tồn vào cuối năm, cuối kỳ để xem trách nhiệm của đơn vị đề xuất, lên kế hoạch và cả phê duyệt. Nên cứ đến hẹn lại lên, đầu năm các sở, ban ngành lại lên kế hoạch hàng trăm dự án, công trình với tổng vốn đầu tư lên hàng trăm ngàn tỉ đồng. Để rồi đến kỳ họp HĐND lại điệp khúc thiếu vốn, kẹt vốn, dự án không triển khai, không giải quyết được nên... mời bà con tiếp tục kẹt xe, ngập nước.
Ô hay, nếu lập kế hoạch dự án cho có thì ai chẳng làm được? Vấn đề là nguồn vốn ở đâu, cân đối được hay không? Nếu không thì ưu tiên cái nào, mở thêm kênh nào để gọi vốn? Các cơ quan có thẩm quyền phải “lọc” trước, rồi mới tham mưu cho TP phê duyệt thực hiện. Chứ cứ dàn hàng ngang rồi cái gì cũng trình, cũng duyệt thì mỗi năm lại thêm một loạt dự án tồn. Tồn mới “đè” tồn cũ, rồi quy hoạch treo, rồi cầu sập, rồi bộ mặt đô thị nhếch nhác, lem nhem... Rồi quanh đi hội thảo tìm giải pháp, quẩn lại tọa đàm lên kế hoạch mà vẫn không giải quyết được vấn đề.
Nên để hạn chế dự án tồn đọng kiểu này, mỗi năm, mỗi kỳ phải có một cuộc rà soát các dự án đã được phê duyệt nhưng không thực hiện và truy trách nhiệm. Làm như vậy, các cơ quan trình, tham mưu, phê duyệt buộc phải nghiêm túc, khoa học và có trách nhiệm trong việc xem xét, đề xuất, trình, duyệt dự án.
Chặt đầu vào đầu ra tức khắc sẽ chuẩn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.