Dự án xe buýt Q.8: Phí bồi thường từ 150 tỉ lên 354 tỉ đồng

05/10/2019 10:45 GMT+7

Sau 4 năm, kinh phí dự kiến bồi thường giải phóng mặt bằng để xây dựng Bến xe buýt Q.8 (TP.HCM) từ 150 tỉ đồng tăng lên 354 tỉ đồng.

Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng UBND Q.8 vừa có báo cáo UBND TP.HCM và cơ quan liên quan về đề xuất chủ trương điều chỉnh Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng để xây dựng bến xe buýt Q.8 (nằm ở P.5, Q.8).

Theo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Q.8, hiện nay TP.HCM có khoảng 80 điểm đầu - cuối các tuyến xe buýt nhưng chỉ có 20 bến bãi là ổn định, còn 80 điểm đầu cuối còn lại phải tận dụng các bãi đất trống, nằm tạm ven vỉa hè ở các con đường vắng.

Trước tình hình đó, UBND TP.HCM đã yêu cầu Sở KH-ĐT, Sở Tài chính trình kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư để Sở GTVT triển khai một số dự án xây dựng bến bãi xe buýt, gỡ “tắc” bến bãi cho xe buýt. Cụ thể các bái bãi dự kiến xây dựng trong năm 2014 là bến xe buýt Q.8, H.Củ Chi và H.Nhà Bè.

Mục tiêu xây dựng mở rộng bến xe buýt Q.8 là một trong các bước để thực hiện chủ trương chung của TP.HCM nhằm đảm bảo nhu cầu phục vụ vận chuyển hành khách bằng xe buýt và giải quyết một phần khó khăn về tình trạng khan hiếm bến bãi dành cho loại hình vận tải hành khách công cộng.

Địa điểm xây dựng dự án bến xe buýt Q.8 gồm bến xe hiện hữu và khu đất phía sau bến xe (về phía đông bến xe hiện hữu) tại P.5, Q.8. Toàn bộ dự án ước tính rộng gần 21.000 m2, phía đông giáp dự án khu dân cư Nhật Tiến, phía tây giáp đường liên tỉnh 5, phía nam giám hẻm 399 liên tỉnh 5, phía bắc giáp đường Tạ Quang Bửu.

Đáng chú ý, báo cáo của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Q.8 cho hay tổng dự toán kinh phí đầu tư bồi thường, hỗ trợ (được phê duyệt ngày 16.8.2019) của dự án hơn 354 tỉ đồng thay cho con số 150 tỉ đồng của dự kiến trước đó (ngày 14.8.2015). Nguồn vốn của dự án từ ngân sách TP.HCM, nguồn vốn sổ xố kiến thiết và nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.