Dự báo 2022: Người dân vẫn 'thắt lưng buộc bụng'

05/01/2022 08:59 GMT+7

Chi tiêu dùng trong nước vẫn hết sức dè dặt trong năm nay, nhiều dự báo cho thấy, sức mua năm 2022 “đánh cược” vào chi đầu tư công và sức mua của doanh nghiệp.

Sức mua Tết vẫn chờ... lương thưởng

Mọi năm, cứ từ giữa tháng 11 đến đầu tháng 12 âm lịch, trên nhóm facebook “người Huế ở Sài Gòn” có gần 60.000 thành viên bắt đầu rao bán hàng cho người thích đặc sản Huế, mua dùng hoặc biếu Tết. Chị Thanh Loan - một thành viên nhóm này kể mọi năm, đến thời điểm này, chị đã bán được hàng trăm triệu đồng, giao lai rai từ nay cho đến 23 tháng Chạp. Năm nay, sau hơn nửa tháng đăng bán, có đúng 7 người hỏi mua, giá trị 7 đơn hàng chưa tới 12 triệu đồng. Chiều 3.1, sốt ruột quá, chị Loan “chốt hạ” hỏi: “Vậy năm nay em khỏi đưa hàng vào bán tết hả mấy chị?”.

Nhiều comment trả lời sau đó rằng “không nên trữ hàng nhiều, sẽ dư đấy”. Một vài ý khác nói chờ cuối năm có lương không mới tính.

Chuyên gia dự báo sức mua năm 2022 tăng 2 con số

NGUYÊN NGA

"Chờ lương, thưởng rồi mới tính" là tâm trạng của rất nhiều người đang làm việc, sống tại TP.HCM khi được hỏi mua sắm Tết năm nay. Đa phần những người được hỏi đều nói, lo ăn hằng ngày chưa đủ, không nghĩ ngợi đến tết nhiều. Những người làm công ăn lương càng không dám tiêu xài vì thu nhập giảm trầm trọng. Năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo ước tính của Tổng cục Thống kê đạt 4.789.500 tỉ đồng, giảm 3,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 6,2% (năm 2020 giảm 3%). Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM thừa nhận, trong ngắn hạn, sức mua vào dịp tết nguyên đán có thể giảm 15 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Trong năm 2022 sức mua vẫn chưa thể tăng trở lại cho dù mặt hàng lương thực thực phẩm là nhu cầu thiết yếu của mỗi nhà. Nhu cầu vẫn nhiều nhưng tâm lý “thắt lưng buộc bụng” của người dân thể hiện rất rõ. Đặc biệt, tình trạng thất nghiệp, công ăn việc làm chưa ổn định sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng trong năm nay"- bà Chi nhận định.

Trong dự báo của mình, Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, PGS-TS Nguyễn Đức Độ cho biết, trong 3 tháng cuối năm 2021, các chỉ số tiêu dùng, sản xuất… có phục hồi nhưng chưa đáng kể. Dự báo tiêu thụ thị trường nội địa năm 2022 tăng ở mức khiêm tốn do 2 năm qua, người dân thất nghiệp, thu nhập giảm nhiều. Ông lưu ý: “Nhiều người đã mang tiền tiết kiệm ra để chi tiêu, nên nếu thu nhập quay trở lại trong năm nay, hoặc tăng như trước dịch, người dân vẫn có xu hướng tiêu dùng tiết kiệm hơn là chi tiêu thoải mái như năm 2019 trở về trước”.

Kích cầu tiêu dùng là chìa khóa

Theo chuyên gia tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), sức mua giảm sẽ ảnh hưởng tới phục hồi của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sản xuất hàng hóa ra mà không bán được hàng thì làm sao phục hồi. Thực tế năm qua xuất khẩu tăng tốt, đầu tư công có khởi sắc, nhưng GDP vẫn không tăng do chi tiêu dùng giảm mạnh quá. Thế nên, chiến lược cho năm 2022 theo ông Thịnh, phải kích cầu, tăng chi tiêu, tăng mua sắm mới phục hồi tăng trưởng cho GDP được.

Thu nhập người dân năm nay phụ thuộc phần lớn vào đầu tư công và đầu tư của doanh nghiệp tăng

NGUYÊN NGA

Muốn vậy, chỉ có 2 giải pháp: Về phía Chính phủ tháo gỡ hết mức cho chi đầu tư công tăng, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp bán hàng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động. Thu nhập tăng thì sức mua tự khắc sẽ tăng. Thứ hai, đẩy mạnh cải cách hành chính cho doanh nghiệp, giảm bớt các điều kiện khó khăn trong vay vốn tái đầu tư, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh bằng các chính sách tài khóa, giảm lãi vay, nới hạn mức, đơn giản các thủ tục buộc thế chấp mới vay được vốn... Ông nhấn mạnh: “Phải tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp có cơ hội “bung” đầu tư sản xuất, sức mua của doanh nghiệp tăng thì sức mua của người dân mới tăng được. Hai yếu tố này liên kết, ràng buộc lấy nhau như điều kiện cần và đủ vậy”.

Ngoài ra, trong bối cảnh Việt Nam chọn hướng đi phủ vắc xin và sống chung với dịch, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý: “Độ phủ tiêm vắc xin của Việt Nam tương đối cao, giúp xã hội trở lại trạng thái bình thường mới tốt hơn. Bên cạnh đó là chính sách mở cửa du lịch trở lại, doanh thu dịch vụ sẽ có cơ hội tăng tốc, giúp kéo tổng doanh thu bán lẻ và thu dịch vụ năm 2022 tăng đạt tỷ lệ 2 con số là trong tầm tay. Trước năm 2019, tổng doanh thu bán lẻ và thu dịch vụ đều tăng mức 2 con số, chỉ năm 2020 tăng 1 con số và năm 2021 giảm gần 4%. Năm 2022 sẽ tăng 2 con số, tuy nhiên, sức mua sẽ có độ trễ nhất định, có thể sang đầu quý 3 trở về sau mới phục hồi”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.