Sóng biển ở Trường Sa cao trên 10 m
Chiều nay (24.12), tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương để chỉ đạo công tác ứng phó với cơn bão số 16. Cùng dự có Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai.
Tại hội nghị, thông tin về diễn biến của cơn bão, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, cho biết lúc 16 giờ chiều nay, bão còn cách đảo Trường Sa Lớn khoảng 120 km. Đến 17 giờ chiều nay, sức gió đo được tại các đảo ở Trường Sa thì mạnh cấp 12, giật cấp 15 và đang có sóng biển cao 6 - 7 m.
Các dự báo của Nhật Bản, Hồng Kông và Hải quân Hoa Kỳ tập trung và thống nhất theo hướng bão số 16 sẽ tiếp tục mạnh thêm, ảnh hưởng trực tiếp và đổ bộ vào Nam bộ với cấp gió mạnh cấp 10, giật cấp 13.
Dự báo chính thức của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, đến tối và đêm mai, bão số 16 sẽ đổ bộ vào các tỉnh Nam bộ với sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 13.
Trong tối và đêm nay, bão số 16 sẽ hoạt động mạnh nhất trên quần đảo Trường Sa. Cường độ khi bão vào bờ có khả năng giảm so với thời điểm ở Trường Sa nhưng vẫn còn rất mạnh.
Dự kiến, trong chiều và đêm mai (25.12), vùng biển ngoài khơi Nam Trung bộ trở vào Nam bộ sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi gió bão mạnh, riêng Côn Đảo trong chiều mai có gió mạnh cấp 11, giật cấp 14 và ở trong cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4.
Cập nhật thông tin mới nhất gửi về từ quần đảo Trường Sa, thiếu tướng Nguyễn Văn Nam, Phó Tư lệnh Bộ đội biên phòng, cho biết các đảo Đá Tây, Song Tử Tây đang có gió bão rất mạnh, có 1 tàu hậu cần nghề cá đứt neo đang nguy cơ bị chìm. Đặc biệt, ở các đảo này đã ghi nhận có sóng biển cao trên 10 m, khi bão đổ bộ sẽ uy hiếp trực tiếp đến các tàu đang tránh bão trong các âu thuyền.
Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, nhấn mạnh bão số 16 đang diễn biến nguy hiểm, đổ bộ vào khu vực chưa bao giờ có bão mạnh. Thời điểm bão đổ bộ mạnh nhất trùng với triều cường lên và có cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4. Đây là cường độ mạnh nhất chưa từng xảy ra ở khu vực này.
Ứng phó bão ở cấp thảm họa
Cập nhật tình hình ứng phó bão, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng
Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết đến 16 giờ chiều nay (24.12), 9 tỉnh khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ đã ra lệnh cấm biển, không cho các phương tiện ra khơi.
Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng phối hợp với các địa phương thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 69.120 phương tiện với 343.163 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.
Trên khu vực quần đảo Trường Sa vẫn còn 6 tàu với 50 người của các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa đang di chuyển thoát ra ngoài vùng biển nguy hiểm có gió bão mạnh. Bên cạnh đó, 129 tàu cá với trên 800 ngư dân của các tỉnh Cà Mau, Bình Định và Bạc Liêu đã vào tránh trú bão ở vùng biển của Malaysia và Thái Lan.
Liên quan đến công tác sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm, đến chiều nay đã có trên 13.000 người dân được sơ tán, Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh đã sơ tán 4.926 người dân, đạt 100% kế hoạch; tỉnh Bình Dương sơ tán 1.638/3.998 người dân, đạt 24% kế hoạch. Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Tiền Giang, Cà Mau đã hỗ trợ trên 9.000 hộ dân chằng chống nhà cửa trước khi bão đổ bộ.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, khi bão vào Philippines đã có hàng trăm người chết và mất tích, đây là cơn bão đặc biệt nguy hiểm. Ngoài bão mạnh trên biển thì vùng ven biển, cửa sông sẽ đối mặt nhiều rủi ro, sự cố do sạt lở khi nước biển dâng. “Cơn bão 16 là cơn bão đặc biệt nguy hiểm dù chỉ cảnh báo ở cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 nhưng công tác ứng phó phải triển khai theo cấp độ rủi ro thiên tai 5, ở mức thảm họa và đây là mức cao nhất trong cấp độ cảnh báo thiên tai”, ông Cường nhấn mạnh.
Bình luận (0)