Dự báo đúng các tình huống chiến lược để không bị bất ngờ

22/12/2014 12:57 GMT+7

(TNO) Bối cảnh thời đại và những biến động phức tạp của tình hình thế giới hiện tại đang đặt ra cho QĐNDVN nhiều thách thức mới.

(TNO) Bối cảnh thời đại và những biến động phức tạp của tình hình thế giới hiện tại đang đặt ra cho Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) nhiều thách thức mới.

Trung tướng Nguyễn Đức Hải
Đây là nhận định của trung tướng, tiến sĩ Nguyễn Đức Hải, viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng trong cuộc trao đổi với Thanh Niên Online nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐNDVN; 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Trung tướng Nguyễn Đức Hải nói: Điểm nổi bật của bối cảnh thời đại là hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng tình hình thế giới, khu vực và trong nước xuất hiện những diễn biến mới, nhanh hơn, phức tạp hơn. Cục diện thế giới thay đổi to lớn và sâu sắc; các mâu thuẫn cơ bản trên thế giới biểu hiện dưới những hình thức và mức độ khác nhau vẫn tồn tại và phát triển.
Các nước lớn điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác vừa thoả hiệp, vừa đấu tranh quyết liệt để tranh giành vị thế và lợi ích chiến lược trên toàn cầu, nhất là tại châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á. Cộng đồng quốc tế phải đối phó ngày càng quyết liệt hơn với các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, đặc biệt là tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải, vùng trời, tài nguyên, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố, xung đột sắc tộc, tôn giáo, an ninh mạng, các loại tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao...
Tình hình đó đặt ra cho đất nước và quân đội những thách thức mới. Một là, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch. Hai là, bạo loạn lật đổ kết hợp với can thiệp quân sự từ bên ngoài. Ba là, xung đột vũ trang trên biển đảo, biên giới. Bốn là, chiến tranh xâm lược với các quy mô khác nhau. Năm là, thiên tai, thảm họa, an ninh mạng và các thách thức an ninh phi truyền thống khác.
Yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ngày càng cao nhưng sức mạnh quốc phòng, khả năng quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, vùng đất, vùng trời của ta còn có mặt hạn chế. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, nâng cao sức mạnh chiến đấu, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Chúng ta sẽ tiếp tục điều chỉnh tổ chức quân đội theo hướng tinh, gọn, cơ động, có sức mạnh chiến đấu cao; điều chỉnh thế bố trí chiến lược, tăng cường, củng cố thế trận phòng thủ bảo vệ đất nước, nhất là trên các địa bàn chiến lược, biên giới, biển đảo. Chủ động nắm chắc tình hình, đánh giá và dự báo đúng các tình huống chiến lược phức tạp có thể xảy ra; phát hiện kịp thời âm mưu, hành động của các thế lực thù địch để chủ động ứng phó, ngăn chặn, đẩy lùi từ xa, không để bị động, bất ngờ.
* Biển Đông có ý nghĩa như thế nào trong chiến lược quốc phòng Việt Nam? Những thách thức về quốc phòng - an ninh mà Việt Nam cần xử lý trong vấn đề biển Đông là gì?
- Biển Đông có vị trí địa - chiến lược về nhiều mặt; là “cầu nối” cực kỳ quan trọng, là điều kiện thuận lợi để Việt Nam giao lưu kinh tế, hội nhập và hợp tác quốc tế với thế giới, khu vực; gắn bó mật thiết và ảnh hưởng lớn đến sự ổn định chính - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại, duy trì môi trường hòa bình của Việt Nam... Thế trận phòng thủ trên biển, đảo là bộ phận quan trọng của thế trận phòng thủ của cả nước; khi xảy ra chiến tranh xâm lược, biển Đông cũng là một hướng tiến công chiến lược của các thế lực thù địch.
Trên biển Đông đang xảy ra tranh chấp phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang, chiến tranh nếu các bên không kiềm chế, tính toán sai lầm về chiến lược, ảnh hưởng đến an ninh, ổn định, môi trường hòa bình của khu vực. Việc Trung Quốc xây dựng đảo chìm, bãi cạn thành căn cứ quân sự liên hiệp, hạ đặt giàn khoan, khai thác, thăm dò tài nguyên biển trái phép, ngăn cản hoạt động kinh tế, khai thác hải sản hợp pháp của ngư dân ta... nhằm thực thi chủ quyền trên thực tế sẽ ảnh hưởng lớn đến độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia, dân tộc của Việt Nam.
Tình hình đó đặt ra yêu cầu rất cao đối với chúng ta: Một là, phải quản lý, bảo vệ cho được chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia, dân tộc của Việt Nam. Hai là, kiềm chế không để xảy ra xung đột vũ trang, chiến tranh xâm chiếm biến đảo, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế. Ba là, duy trì quan hệ hữu nghị, hợp tác, phát triển với các nước láng giềng, các nước trong khu vực.
Yêu cầu, nhiệm vụ rất cao, trong khi khả năng quản lý, bảo vệ của các lực lượng chuyên trách, nòng cốt tuy đã được nâng lên nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Tình hình đó đòi hỏi phải ưu tiên xây dựng lực lượng chuyên trách, nòng cốt quản lý, bảo vệ biển đảo; kết hợp phát triển kinh tế với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động trên biển đảo.
Phát triển kinh tế, giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội, phát huy sức mạnh của cả nước, từ đất liền để bảo vệ biển đảo. Đẩy mạnh hợp tác trên biển với các nước ASEAN, các nước lớn, xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Kết hợp chặt chẽ đấu tranh pháp lý, ngoại giao, chính trị, kinh tế...bảo vệ chủ quyền biển đảo theo phương châm: chủ động, tích cực, kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với công ước LHQ năm 1982 về luật Biển, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và luật pháp Việt Nam.
Một tàu tên lửa của Hải quân Việt Nam thử nghiệm bắn tên lửa trên biển - Ảnh: Duy Khánh
* Chính sách quốc phòng của Việt Nam là không liên minh quân sự, nhưng từ tình hình ở biển Đông hiện nay, có ý kiến cho rằng Việt Nam cần điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Trong thế giới toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, thì liên minh, liên kết là xu hướng khách quan. Việt Nam chủ trương chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực, trong đó có quốc phòng. Việt Nam
 đã và tiếp tục kiên trì chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ, không tham gia các tổ chức liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại nước khác. Tuy nhiên, Việt Nam chủ trương tăng cường hợp tác quốc phòng với tất cả các nước để tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc. Hai mặt này hoàn toàn không mâu thuẫn với nhau.
Tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích của chung của khu vực và cộng đồng quốc tế.
Không chỉ vấn đề biển Đông mà trong các hoạt động khác, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với các nước láng giềng, bạn bè truyền thống, các đối tác lớn và với các nước khác, kể cả nước đã từng là đối thủ, có chung mục tiêu vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Với đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và uy tín, vị thế quốc tế ngày càng cao, chúng ta có điều kiện chuẩn bị và thực thi các biện pháp hợp tác quốc quốc phòng để tạo sự đan xen lợi ích, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, khu vực đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, khi mà các nước đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu; nước lớn can dự, lôi kéo, chia rẽ, chi phối các nước khác; thế giới, khu vực hình thành các tập hợp lực lượng mới đan xen lợi ích phức tạp... thì việc liên minh, liên kết về quốc phòng có khó khăn hơn. Sẽ không còn kiểu liên minh như trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chúng ta cần có những hình thức, nội dung, cách làm phù hợp với tình hình mới.
* Xin cảm ơn ông!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.