Dự báo giá dầu thế giới năm 2023

29/12/2022 16:30 GMT+7

Năm 2022 đã khép lại với cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu tác động mạnh mẽ tới mọi nền kinh tế, để lại các bất ổn và biến động vô cùng lớn với thị trường năng lượng toàn cầu. Dự báo thị trường dầu mỏ thế giới năm 2023 sẽ tiếp tục đối mặt với các “cơn gió ngược”.

Khu vực kho nhiên liệu tại cảng Bilbao ở Tây Ban Nha

afp

Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu năm 2022 bắt nguồn từ việc các nước sản xuất dầu mỏ cắt giảm sản lượng, chuỗi cung ứng đứt gãy, đặc biệt là tác động tiêu cực từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Cho đến nay, phản ứng của các chính phủ trên thế giới với cuộc năng lượng toàn cầu vẫn mang tính cục bộ và chưa hiệu quả và đang ảnh hưởng sâu sắc đến các nước trên toàn thế giới, đặc biệt là ở châu Âu.

Năm 2023 được báo sẽ là năm tiếp tục khó khăn với ngành năng lượng, trong đó nguồn cung dầu vẫn là thách thức với các nước tiêu thụ và giá dầu tiếp tục diễn biến khó lường.

Khủng hoảng năng lượng có thể trầm trọng hơn trong năm 2023

Những yếu tố tác động đến thị trường dầu mỏ toàn cầu năm 2023

Một là, tác động từ các lệnh cấm vậnchính sách áp giá trần của phương Tây đối với dầu và khí đốt của Nga vẫn chưa thực sự rõ ràng, nhất là khi mức giá trần 60 USD/thùng vẫn cao hơn mức giá giao dịch dầu Urals của Nga. Hơn nữa, thị trường dầu mỏ vẫn cần được kiểm chứng sau khi lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với các sản phẩm tinh chế của Nga có hiệu lực vào đầu tháng 02/2023.

Hai là, nhiều khả năng nguồn cung dầu năm 2023 không đáp ứng đủ nhu cầu. Mặc dù dự kiến Mỹ sẽ dẫn đầu tăng trưởng nguồn cung dầu nhưng sản xuất dầu của Nga sẽ giảm đi do tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây và chính sách áp giá trần đối với dầu mỏ và khí đốt của Nga sẽ khiến nguồn cung giảm đi đáng kể. Trong khi đó, khả năng OPEC vẫn giữ nguyên mức sản xuất hiện nay và tăng không đáng kể ở mức 0,05 triệu thùng/ngày; còn nguồn cung ngoài OPEC sẽ tăng khoảng 1,5 triệu thùng/ngày.

Tàu dầu tại cảng Yuzhnaya Ozereyevka ở Nga

reuters

Ba là, giá dầu thế giới năm 2023 sẽ phụ thuộc mạnh mẽ vào tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ. Với việc nới nới lỏng chính sách Zero-Covid và mở cửa với thế giới, nhu cầu năng lượng của Trung Quốc sẽ tăng cao cho dù việc mở cửa trở lại của Trung Quốc không hề dễ dàng do mức độ miễn dịch thấp. Dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ trong năm 2023 có nhiều dấu hiệu khả quan, với mức tăng trưởng dự kiến từ 5% đến 6%. Điều này sẽ khiến cho nhu cầu dầu của hai nước này tăng và kéo theo giá dầu tăng lên.

Bốn là, trong năm 2022, một số quốc gia đã xả kho dự trữ chiến lược để đối phó với khủng hoảng năng lượng, tuy nhiên, năm 2023 họ lại phải tìm cách lấp đầy kho dự trữ của mình, khiến cầu tăng hơn cung. Mới đây, Mỹ đã xác nhận sẽ bắt đầu bổ sung Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược với mức giá giao dịch từ 68 - 72 USD/thùng, nghĩa là có thêm lý do để tác động đến giá dầu trong thời gian tới. Cơ quan Thông tin Năng lượng cho biết tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến do nhập khẩu giảm mạnh, với tồn trữ giảm 5,9 triệu thùng xuống 418,2 triệu thùng so với dự báo giảm 1,7 triệu thùng.

Tổng thống Biden chỉ trích các đại gia dầu mỏ 'trục lợi nhờ chiến tranh', muốn áp thêm thuế

Trong khi đó, Nga cũng đe dọa cắt nguồn cung dầu khí cho các quốc gia tuân thủ mức giá trần của châu Âu. Ngày 23/12/2022, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, Nga có thể cắt giảm sản lượng dầu từ 5% - 7% vào đầu năm 2023 nhằm phản ứng với việc áp giá trần của phương Tây. Do đó, sự thâm hụt nguồn cung dầu toàn cầu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mức dự trữ dầu vốn đã ít ỏi của các nước (hiện đang ở mức gần thấp nhất trong vòng 5 năm qua). Tất cả điều này có nghĩa là thử nghiệm thực sự về chiến thuật chiến tranh dầu mỏ của phương Tây có thể sẽ đến vào năm tới.

Năm là, Nga có thể nối lại việc cung cấp khí đốt cho châu Âu: Ngày 26/12/2022, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, nước này sẵn sàng nối lại nguồn cung khí đốt đến châu Âu như qua đường ống Yamal vì “vẫn còn tình trạng thiếu khí đốt ở châu Âu”. Theo ông Novak, thị trường Liên minh châu Âu (EU) vẫn mở cửa cho khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga và chỉ tính riêng tháng 11/2022, nguồn cung LNG đã tăng lên mức 19,4 tỷ m3. Nga cũng tiến hành các cuộc đàm phán về việc tăng nguồn cung qua Thổ Nhĩ Kỳ sau khi một trung tâm khí đốt được thành lập ở nước này.

Ông Alexander Novak nhấn mạnh, thế giới đang có nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng do các công ty dầu mỏ và khí đốt phương Tây ít đầu tư trong lĩnh vực này. Hơn nữa, vẫn đang có nhu cầu đối với khí đốt của Nga nên Nga tiếp tục coi châu Âu là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm của nước này.

Vì sao kinh tế năm 2023 sẽ có cảm giác suy thoái?

Dự báo về nhu cầu và giá dầu năm 2023

OPEC dự báo, năm 2023 nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng 2,3% tương đương mức tăng 2,25 triệu thùng/ngày (trong khi năm 2022 con số này là 2,55 triệu thùng/ngày). Còn Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ dự báo, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 1% so với cùng kỳ, đạt mức trung bình 101 triệu thùng/ngày cho cả năm 2023. Các nhà kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Goldman Sachs nhận định, do Trung Quốc mở cửa trở lại và du lịch quốc tế phục hồi nên nhu cầu dầu mỏ thế giới tăng khoảng 2 triệu thùng/ngày trong năm tới.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế dự báo, có thể Quý 2/2023 sẽ xảy ra tình trạng thiếu dầu trên thị trường khi các doanh nghiệp công nghiệp châu Âu chuyển từ khí đốt tự nhiên sang dầu khí giá rẻ hơn. Đây cũng là thời điểm kinh tế Trung Quốc có thể phục hồi mạnh hơn sau khi nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Hơn nữa, theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IEA), các biện pháp áp giá trần với dầu và khí đốt của phương Tây sẽ buộc Nga phải cắt giảm sản lượng 1,6 triệu thùng/ngày xuống còn 9,6 triệu thùng/ngày trong Quý 2/2023.


Thế giới không thể quay lại thời giá dầu rẻ ?

Theo dự báo của Goldman Sachs, giá dầu Brent trung bình sẽ dao động ở mức 98 USD/thùng và WTI ở mức 92 USD/thùng trong năm 2023. Đồng quan điểm, JP Morgan Chase & Co, cho biết, giá dầu thô Brent trung bình quanh mức 90 USD/thùng trong năm tới.

Trong khi đó, theo một cuộc thăm dò của Reuters trong tháng 12.2022, các nhà kinh tế dự báo mức giá dầu Brent trong năm 2023 rơi vào khoảng 100,50 USD/thùng. Ngân hàng Mỹ (BoA) dự kiến, giá dầu Brent có thể đạt mức 110 USD/thùng vào năm tới. Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ cũng dự báo, giá dầu có thể tăng trở lại trên 100 USD/thùng trong năm 2023 do Nga cắt giảm sản lượng và Trung Quốc nới lỏng các hạn chế liên quan phòng chống dịch Covid-19.

Như vậy, tổng mức tăng nguồn cung dầu vào năm 2023 dự kiến sẽ không đáp ứng được nhu cầu thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc giá dầu sẽ tăng. Tuy nhiên, kịch bản giá dầu giảm vẫn có thể diễn ra nếu tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại và suy thoái ở một số khu vực ở châu Âu tiếp tục kéo dài. Bên cạnh đó, yếu tố chính có thể giúp giá dầu thô giảm mạnh là sự xuống thang của chiến sự Nga - Ukraine.

Năm 2022 chứng kiến cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu mà phần nhiều là do tác động từ cuộc xung đột Nga -Ukraine, khiến cho dòng chảy dầu thế giới có những thay đổi nhất định và tác động không nhỏ đến đà phục hồi kinh tế của các nước hậu đại dịch. Cho tới nay, dù có các dự báo khác nhau về diễn biến trên thị trường dầu mỏ thế giới năm 2023 nhưng tựu trung lại vẫn cho thấy nhiều diễn biến khó lường và một năm không thực sự suôn sẻ đối với các nước tiêu thụ cũng như xuất khẩu dầu trên thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.