Bloomberg hôm qua dẫn báo cáo của Trung tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR - Anh) dự báo nền kinh tế thế giới sẽ lần đầu vượt mốc 100.000 tỉ USD trong năm tới, sớm hơn 2 năm so với dự báo trước đó. Tổng GDP toàn cầu sẽ tiếp tục tăng nhờ sự phục hồi tiếp tục từ đại dịch Covid-19, dù khả năng lạm phát kéo dài sẽ khiến những nhà hoạch định chính sách gặp khó khăn trong việc tránh nền kinh tế rơi vào suy thoái. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế toàn cầu đạt 84.540 tỉ USD vào năm 2020 và dự kiến đạt 93.860 tỉ USD trong năm nay.
Nhiều thay đổi
Trong báo cáo thường niên, CEBR dự báo Trung Quốc sẽ soán ngôi Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030, muộn hơn 2 năm so với dự báo đưa ra năm ngoái. Trong khi đó, Ấn Độ sẽ giành lại vị trí thứ 6 từ Pháp trong năm tới và sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2031, muộn hơn 1 năm so với dự báo trước đó.
Hàng hóa tại cảng Los Angeles (bang California, Mỹ) vào ngày 22.11 |
Reuters |
Nền kinh tế Anh sẽ tiếp tục đà tăng trưởng và lớn hơn 16% so với Pháp vào năm 2036, còn nền kinh tế Đức sẽ vượt qua Nhật Bản vào năm 2033. Nền kinh tế Nga sẽ nằm trong tốp 10 thế giới vào năm 2036, còn Indonesia sẽ xếp thứ 9 vào năm 2034. CEBR dự báo rằng biến đổi khí hậu sẽ làm giảm trung bình khoảng 2.000 tỉ USD mức tiêu dùng hằng năm cho đến năm 2036.
Giới phân tích cho rằng vấn đề quan trọng trước mắt là thế giới đối phó lạm phát như thế nào trong thập niên 2020. Theo Phó chủ tịch CEBR Douglas McWilliams, nếu không kiểm soát được, kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái vào năm 2023 hoặc 2024.
Vượt Mỹ, Trung Quốc nắm lượng tài sản lớn nhất thế giới |
Tác động của Omicron
Những dự báo trên được đưa ra trong bối cảnh thế giới sắp bước sang năm thứ 3 đối phó đại dịch Covid-19. Theo dự báo của Bloomberg, nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chỉ 0,7% trong 3 tháng cuối năm, chỉ bằng phân nửa so với quý 3. Khu vực đồng euro dự báo tăng trưởng 0,8% trong quý 4, thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 11, trong khi Mỹ có thể đạt 1,2%.
Trong số các thị trường đang nổi lên, Trung Quốc dự báo đạt 4,5% trong quý 4, còn Brazil giảm xuống còn 0,2%. Nga, Ấn Độ và Nam Phi cũng dự báo không khả quan. “Khi năm 2021 đang kết thúc, sự phục hồi kinh tế toàn cầu có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi biến thể Omicron. Nhất là châu Âu dễ bị tác động khi sự phục hồi của Đức, Pháp và Ý đang ngày càng chịu áp lực từ số ca nhiễm tăng”, theo chuyên gia kinh tế trưởng Tom Orlik của Bloomberg. Hãng AP dẫn dự báo của chuyên gia Robin Brooks tại Viện Tài chính quốc tế (Mỹ) cho rằng với khả năng SARS-CoV-2 biến đổi, rất khó dự báo về đại dịch cũng như mức độ tác động đối với nền kinh tế toàn cầu.
Chỉ cần vài tuần để Omicron trở thành chủng trội ở châu Âu |
Omicron tiếp tục diễn biến phức tạp
Yonhap hôm qua đưa tin Hàn Quốc ghi nhận thêm 33 ca nhiễm biến thể Omicron, nâng tổng số lên 376, trong đó có 215 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Cơ quan y tế kêu gọi người dân, đặc biệt là người cao tuổi nên tiêm mũi vắc xin tăng cường. Hơn 1 tuần qua, Hàn Quốc siết các biện pháp phòng dịch như giới hạn tụ tập tối đa 4 người tại nơi công cộng, các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa trước 21 hoặc 22 giờ, tùy loại hình. Tại Nhật Bản, Omicron bắt đầu lây lan trong cộng đồng và xuất hiện thêm tại Osaka, Kyoto, Aichi và Tokyo, sau khi ca đầu tiên được ghi nhận tại Fukuoka vào ngày 25.12. Chính phủ đang phối hợp với các địa phương nhằm tăng cường năng lực xét nghiệm và đảm bảo số giường bệnh, theo Đài NHK.
Tại Thái Lan, một xét nghiệm ngẫu nhiên do Bộ Y tế thực hiện cho thấy khoảng 16% số ca nhiễm Covid-19 liên quan biến thể Omicron. Theo tờ Khmer Times, điều này khiến Campuchia lo ngại đối với những lao động di cư trở về từ Thái Lan. Dự kiến Phnom Penh sẽ phát động lần 2 chiến dịch tiêm mũi tăng cường vào ngày 3.1.2022.
Bình luận (0)